Các CIO hàng đầu & hành trình SỐ HÓA doanh nghiệp

Ngày đăng 19-03-2015
Khái niệm 'doanh nghiệp số' có thể gây chút bối rối. Nó thực ra nghĩa là gì? Và làm cách nào để có được cái tên đó? Một số thông tin bên dưới sẽ giúp các bạn có thể giải đáp các câu hỏi trên.


 
Xu hướng công nghệ
 
Quay về năm 1980, người phụ nữ điều hành trung tâm dữ liệu (TTDL) tại ngân hàng State Street (Mỹ), bắt đầu sự nghiệp của mình ở đó bằng việc sử dụng những cuốn sổ cái để phân tích và tổng hợp quỹ tương hỗ. Quy trình đó được tự động hóa khi ngân hàng trang bị hệ thống máy tính. Ngày nay, hệ thống của State Street có thể dễ dàng kết nối với những khách hàng và đối tác; xuất báo cáo chi tiết để khách hàng có thể tự phân tích các quỹ tương hỗ mà họ muốn đầu tư. Đó chính là mô hình của một “doanh nghiệp số”.
 
Việc xây dựng các hệ thống để tự động hóa quy trình hay chức năng phục vụ công việc kinh doanh chưa hẳn đã là “doanh nghiệp số”. Mô hình này đòi hỏi một công ty phải được số hóa hoàn toàn từ các chính sách cho đến nguyên tắc kinh doanh, ở đó, công việc của mọi người được thể hiện với tác phong kĩ thuật số; và quan trọng hơn là hệ sinh thái công nghệ tích hợp, đảm bảo an toàn cho thông tin của công ty, và giúp những người được phép truy cập dễ dàng tìm kiếm, chia sẻ chúng.
 
Doanh nghiệp số còn hơn là một cụm từ thông dụng của các CIO. Trong một cuộc khảo sát của Altimeter Group gần đây, 88% của 59 nhà quản trị chiến lược số hóa được phỏng vấn cho biết tổ chức của họ đang trải qua quá trình nỗ lực chuyển đổi số hóa trong năm nay.
 
Các CIO được phỏng vấn về câu chuyện này cho biết doanh nghiệp số thể hiện một thay đổi ngoạn mục trong phương pháp làm việc. Với hệ thống mạng sẵn có, nhân viên sẽ ngay lập tức được liên kết với nhiều thông tin hơn trong công việc. Doanh nghiệp số đang phải suy xét việc làm thế nào để nguồn thông tin trở nên linh động hơn khi cho phép các nhân viên dùng các thiết bị di động. Qua đám mây, họ sẽ được kết nối không chỉ với dữ liệu của công ty mà còn từ khách hàng, nhà cung cấp và các nguồn bên ngoài, bao gồm truyền thông xã hội và kết nối Internet, ứng dụng những kỹ thuật phân tích khác biệt để đưa ra được các quyết sách đúng đắn hơn.
 
Điểm mới của doanh nghiệp kỹ thuật số là sự nổi lên của tất cả các công nghệ mới và chúng hội tụ cùng một lúc. Máy tính có vai trò to lớn trong việc hỗ trợ con người làm việc tốt hơn trước.
 
Điều đó không có nghĩa là các phát minh công nghệ trong quá khứ sẽ bị bỏ đi, những hệ thống cũ này  tạo nên xương sống cho các doanh nghiệp số. Và bộ xương sống đó đang được nâng đỡ bởi các công nghệ mới.
 
Ông Trần Nhất Minh - Phó tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam VIB, người vừa nhận được giải CIO tiêu biểu của IDG, cho biết về xu hướng công nghệ SMAC đã hình thành bấy lâu nay được dự đoán là kéo dài đến 2025. SMAC  bao gồm các xu hướng:
 
• Social media (mạng xã hội),
 
• Mobility (di động),
 
• Analytics (phân tích)
 
• Cloud computing (điện toán đám mây).
 
Mạng xã hội
 
Đây là xu hướng đang dẫn cả thế giới đi theo, muốn hay không muốn CIO cần quan tâm đến những xu hướng này và có kế hoạch triển khai. Cách đây 2 năm, việc dùng Facebook ở Việt Nam chưa phổ biến lắm, nhưng giờ đây  Việt nam hiện có 23 triệu người dùng Facebook, con số này vẫn không ngừng gia tăng nhanh chóng. Nhiều cá nhân đã tiến hành bán hàng và giao dịch trên FB. Nắm bắt được xu hướng này, Ngân hàng VIB đã tạo nên khái niệm chi nhánh ảo trên Facebook (Facebook branch) và trở thành một trong những ngân hàng được yêu thích trên mạng xã hội này ở Việt Nam. 
 
Di động
 
Sử dụng thiết bị di động cá nhân để giải quyết công việc (BYOD) đang ngày càng tỏ rõ ưu thế và trở nên phổ biến. Nhưng mặt khác, xu hướng này đang đặt ra những thách thức về bảo mật cho doang nghiệp.CIO cần quan tâm đến chính sách đối với việc cho phép nhân viên làm việc của công ty trên thiết bị riêng của mình sau khi hoàn thiện chính sách BYOD . Khi mọi thứ được thực hiện đúng, việc sử dụng các thiết bị cá nhân sẽ cung cấp cho nhân viên vô số lợi ích, bao gồm cả sự linh hoạt, liên tục truy cập vào dữ liệu, năng suất cao hơn, và ít phụ thuộc vào trung tâm CNTT của doanh nghiệp.
 
Phân tích
 
Đây là việc phân tích dựa trên công nghệ dữ liệu lớn (big data). Công nghệ này ở Việt nam mới chỉ được nghe nói, dường như chưa có doanh nghiệp nào sử dụng công nghệ này. Tuy nhiên, việc thực hiện tiếp thị và bán hàng qua mạng xã hội sẽ không thực hiện được với lượng khách hàng lớn (đối với ngân hàng đó là hàng triệu khách hàng) sẽ không thực hiện được nếu không có công nghệ big data.
 
Điện toán đám mây
 
Xu hướng điện toán đám mây phát triển mạnh tại VN. Người dùng thông thường và các DN nhỏ sử dụng đám mây rất nhiều. Các ngân hàng trên thế giới nói chung và tại Việt nam nói riêng vẫn e ngại với công nghệ này, nên thông chỉ sử dụng đám mây riêng (private cloud). VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên kết hợp với IBM và đối tác kinh doanh của IBM để triển khai một giải pháp điện toán đám mây ảo hóa, dựa trên hệ thống IBM PureFlex System Express, thay thế hơn 100 máy chủ vật lý bằng một hệ thống máy chủ ảo, để đảm bảo sử dụng tối ưu các nguồn lực, nâng cao tính linh hoạt trong kinh doanh và tăng cường hiệu năng hoạt động.
 
Với doanh nghiệp không phải là ngân hàng CIO nên đưa điện toán đám mây thành chiến lược vì sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí phần cứng, phần mềm và nhân viên CNTT, rút ngắn thời gian triển khai,  đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Theo "PCW"