Công nghệ ứng dụng dựa trên nền web (web-based system) và tương lai của điện toán doanh nghiệp

Ngày đăng 20-08-2012
Khi chọn lựa một hệ thống ERP, chúng ta thường băn khoăn giữa một “rừng” các công nghệ khác nhau. Để giúp bạn đọc có điều kiện hiểu sâu hơn những khả năng và hạn chế đằng sau các thuật ngữ đó, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin và nhận đinh về những công nghệ thường được ứng dụng trong các hệ thống ERP.

Khi chọn lựa một hệ thống ERP, chúng ta thường băn khoăn giữa một “rừng” các công nghệ khác nhau. Để giúp bạn đọc có điều kiện hiểu sâu hơn những khả năng và hạn chế đằng sau các thuật ngữ đó, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin và nhận đinh về những công nghệ thường được ứng dụng trong các hệ thống ERP. Bài báo này hy vọng sẽ giải đáp phần nào câu hỏi: chọn lựa một hệ thống trên nền web (web-based system) hay một hệ thống trên nền ứng dụng truyền thống (applications-based system). 
 
Công nghệ tính toán tập trung và công nghệ client-server đã làm thay đổi cách thức khai thác hệ thống máy tính của con người. Thay vì mỗi trạm làm việc của người dùng phải cài đặt các ứng dụng đầy đủ các chức năng và là một điểm cát cứ dữ liệu, với công nghệ client-server, người ta tách hệ thống ứng dụng thành hai phần: phần ứng dụng máy chủ (server) cung cấp các xử lý chung cho tất cả người dùng (thường là dữ liệu) và được cài đặt tại một hay một vài máy tính duy nhất, và phần ứng dụng máy khách (client) làm nhiệm vụ giao tiếp với người sử dụng và được cài đặt tại tất cả các máy có nhu cầu khai thác hệ thống dứng dụng đó Dễ nhận thấy những ưu điểm của một hệ thống như vậy trong môi trường doanh nghiệp so với một phần mềm đơn lẻ. Nổi bật nhất là khả năng tập trung hóa dữ liệu, khiến cho việc quản trị, bảo mật và đảm bảo an toàn dữ liệu trở nên dễ dàng hơn. Các ưu điểm khác có thể kể đến là khả năng mở rộng, bổ sung thêm người dùng mới và tận dụng nguồn lực.
 
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô của các doanh nghiệp, nhất là sự xuất hiện các công ty đa quốc gia, có địa bàn hoạt động trên toàn thế giới đã khiến công nghệ client-server truyền thống bộc lộ những điểm yếu của nó, đó là:
 
• Khó duy trì, nâng cấp hệ thống và hỗ trợ người dùng. 
 
• Khó khăn trong việc đào tạo người dùng.
 
• Hạn chế về mặt kết nối. Các hệ thống client – server được thiết kế khác nhau, dựa trên những đặc tả kết nối (giao thức) không giống nhau.
 
• Tính di động của người dùng. Công nghệ client-server đòi hỏi người dùng gắn chặt với máy tính của mình (hoặc ít ra là máy tính có cài đặt phần mềm client đó). Trên thực tế, điều này không phải bao giờ cũng khả thi.
 
• Sự đa dạng và không tương thích của hạ tầng phần cứng và hệ điều hành. Một hệ thống ứng dụng được khai thác trên phạm vi rộng sẽ gặp phải khó khăn gây ra bởi những khác biệt về hạ tầng công nghệ.
 
Chính vì vậy, thực tế đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống ứng dụng vẫn theo mô hình client – server, nhưng ứng dụng client phải đảm bảo:
 
• Phổ biến, có sẵn trên máy tính của bất kỳ người dùng nào.
 
• Dễ sử dụng. Người dùng đã quen thuộc với cách thao tác trên ứng dụng này và không cần đào tạo nhiều.
 
• Sử dụng kết nối chuẩn. Giao tiếp giữa client và server sử dụng các giao thức chuẩn, được thừa nhận bởi bất kỳ hệ thống bảo mật nào.
 
• Cho phép ngườ sử dụng khai thác hệ thống ở bất kỳ đâu, trên bất kỳ máy tính nào.
 
• Không phụ thuộc vào phần cứng và HĐH của máy tính của người dùng.
 
Thật đáng ngạc nhiên, chúng ta đã có sẵn công nghệ thỏa mãn đầy đủ nhưng ràng buộc kể trên ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước. Đó chính là công nghệ Web: Công nghệ Web chính là một công nghệ client – server điển hình. Trong đó trình duyệt web đóng vai trò là client, còn hệ thống cung cấp trang web đó đóng vai trò là server.
 
• Trình duyệt Web có mặt trên tất cả các máy tính, bất kể là máy tính đó chạy HĐH nào.
 
• Người dùng đã quá quen thuộc với cách sử dụng trình duyệt, thậm chí là việc cài đặt và nâng cấp một trình duyệt mớicũng không phải là điều gì quá khó khăn với họ.
 
• Giao tiếp giữa trình duyệt và hệ thống cung cấp trang web sử dụng giao thức http, là một giao thức chuẩn và được tuyệt đại đa số các lớp bảo mật thừa nhận.
 
• Chúng ta có thể sử dụng trình duyệt để truy cập vào một trang web ở bất kỳ đâu có kết nối Internet.
 
Có thể thấy, các hệ thống dựa trên nền web là môi trường lý tưởng để triển khai các ứng dụng doanh nghiệp. 
 
Theo mô hình này, dữ liệu và các dịch vụ xử lý sẽ được cài đặt ở trung tâm điện toán của công ty với đầy đủ các biện pháp bảo mật và đảm bảo an toàn dữ liệu. Các hệ thống ở xa (các chi nhành, văn phòng đại diện, công ty con ở các địa phương khác, thậm chí là quốc gia khác) và các người dùng đơn lẻ có thể kết nối vào hệ thống thông qua Internet. Điều này mở ra khả năng làm việc từ xa cho tất cả các đối tượng người dùng. Với kiến trúc như vậy, chi phí phát triển, duy trì và sử dụng một hệ thống dựa trên công nghệ web sẽ thấp hơn nhiều so với hệ thống dựa trên ứng dụng client truyền thống, nhất là trong dài hạn. 
 
Cũng cần phải nói thêm rằng, để triển khai một hệ thống điện toán doanh nghiệp hoàn toàn trên nền web cần phải vượt qua một số rào cản, như đặc tính phi kết nối của giao thức http truyền thống, khả năng hạn chế của trình duyệt web, các vấn đề về an toàn, bảo mất … Trong các số tạp chí tới, chúng tôi sẽ còn trở lại chủ đề này để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn những lý do khiến cho công nghệ web-based trở thành xu thế tất yêu của các ứng dụng doanh nghiệp, đặc biệt là các hệ thống ERP hiện này.