Những việc cần chuẩn bị trước khi lên đời Window 10

Ngày đăng 05-08-2015
Từ ngày 29/7 Windows 10 đã được ra mắt chính thức và được miễn phí nâng cấp cho máy tính đang dùng Windows 7, Windows 8 và Windows 8.1. Một số thông tin cần chuẩn bị để sẵn sàng trải nghiệm hệ điều hành mới của Microsoft?
 

Windows 10 hiện được người dùng PC, máy tính bảng mong đợi bởi những nâng cấp được xem là lớn nhất từ trước đến nay về giao diện, sự trở lại của nút Start, trợ lý ảo Cortana, trình duyệt Edge mới hoàn toàn, chơi game Xbox...
 
Trước khi nâng cấp lên hệ điều hành mới này, bạn cần dành chút thời gian để chuẩn bị sẵn sàng cho chiếc PC của mình có thể chạy tốt các tính năng và có được hiệu năng tốt nhất.
 
1. Kiểm tra cấu hình PC
 
Trước hết, bạn hãy kiểm tra xem chiếc PC của bạn có thể chạy được Windows 10 hay không? Windows 10 yêu cầu cấu hình phần cứng tương tự như với Windows 7. Do đó, bạn xem thử các thành phần của máy có thỏa mãn các tiêu chí tối thiểu sau hay không:
 
Bộ xử lý: 1GHz hay nhanh hơn
RAM: 1GB (đối với Windows 32-bit) hay 2GB (64-bit)
Bộ lưu trữ còn trống tối thiểu 16GB (đối với Windows 32-bit) hay 20GB (64-bit)
Card đồ họa: hỗ trợ DirectX 9 với trình điều khiển WDDM.
Bạn cũng kiểm tra lại xem chiếc PC hay máy tính bảng hiện có đã nâng cấp lên bản Windows 7 Service Pack 1 hay Windows 8.1 Update mới nhất hay chưa. Nếu đã nâng cấp lên phiên bản mới nhất thì trên desktop bạn sẽ thấy biểu tượng Windows ở bên dưới góc phải thanh taskbar và khi nhấn phải chuột lên biểu tượng này, bạn sẽ thấy tùy chọn "Check my PC" (Kiểm tra hệ thống máy tính).
 
Biểu tượng bên dưới góc phải màn hình giúp bạn chuẩn bị các bước cơ bản trước khi nâng cấp lên Windows 10.
 
2. Chuẩn bị ổ cứng
 
Như đã nhắc đến ở trên, để cài được Windows 10 thì ổ cứng trên PC phải có dung lượng còn trống tối thiểu là 16GB. Do đó, bạn cần kiểm tra lại ổ cứng hiện có trên hệ thống có đủ dung lượng như yêu cầu hay không bằng cách vào Computer > nhấn phải chuột lên ổ đĩa C:/ và chọn Properties.
 
Nếu dung lượng không đủ, bạn có thể dùng đến công cụ Disk Cleanup tích hợp để xóa các dữ liệu tạm và giải phóng không gian lưu trữ.

Kiểm tra dung lượng còn trống trên ổ đĩa chính của hệ thống.
 
Bạn cũng có thể gỡ bỏ vài ứng dụng không cần thiết, ít hoặc không dùng đến để giải phóng không gian lưu trữ. Trên Windows 8, bạn có thể vào giao diện Start và nhấn phải lên ứng dụng muốn xóa và chọn Uninstall để gỡ bỏ ứng dụng nền Modern UI.
 
3. Gỡ bỏ ứng dụng Modern UI trên Windows 8.
 
Nếu muốn gỡ bỏ các ứng dụng nền desktop cổ điển trên Windows 8 hoặc trên Windows 7 thì bạn vào Control Panel > Programs > Programs and Features (hoặc Control Panel > Uninstall a program) và nhấn phải lên ứng dụng muốn gỡ bỏ và chọn Uninstall.
 

Gỡ bỏ ứng dụng trên Windows 7 và phần mềm nền desktop trên Windows 8.
 
4. Sao lưu dữ liệu lên mây hoặc ổ cứng gắn ngoài
 
Việc sao lưu dữ liệu là điều cần làm, dù có nâng cấp lên Windows 10 hay không. Nếu bạn có sử dụng một dịch vụ lưu trữ đám mây như OneDrive, Dropbox hay Google Drive thì hãy sử dụng chức năng sao lưu trực tuyến (Backup to Cloud) để lưu lại những dữ liệu quan trọng. Nếu không thì hãy dùng một ổ cứng gắn ngoài và chép toàn bộ những dữ liệu vào ổ cứng này và cất đi.
 
Ngoài việc sử dụng các công cụ sao lưu tích hợp trên Windows 7/8 (chẳng hạn như File History) thì bạn có thể sao lưu thủ công bằng cách kéo thả (hoặc Copy/Paste) những dữ liệu hình ảnh, tài liệu, video, nhạc... vào ổ cứng ngoài là xong.

Chức năng sao lưu trên Windows 7.
 
5. Tạo file ảnh sao lưu toàn hệ thống
 
Cả Windows 7 và Windows 8/8.1 đều có công cụ sao lưu toàn bộ hệ điều hành và lưu lại thành một file ảnh. Chức năng sao lưu này không chỉ sao lưu những dữ liệu cá nhân mà cả hệ điều hành, do đó dung lượng file ảnh sẽ có dung lượng rất lớn. Bạn có thể sử dụng tính năng này bằng cách vào Control Panel > chọn "Back up your computer" ở mục Systems and Security. Sau đó làm theo hướng dẫn để thiết lập ổ đĩa muốn sao lưu (ổ đĩa C:\), nơi lưu (nên lưu vào ổ cứng gắn ngoài. Cuối cùng nhấn Start Backup để bắt đầu sao lưu toàn bộ hệ thống.

Chức năng sao lưu toàn bộ hệ thống trên Windows 7/8.

 
Sau khi hoàn tất quá trình sao lưu trên, bạn sẽ có thêm tùy chọn tạo đĩa sửa lỗi hệ thống (System repair disc), bạn nên làm theo hướng dẫn để tạo đĩa hoặc USB sửa lỗi hệ thống phòng khi hệ thống bị lỗi.
 
Nếu sau khi nâng cấp lên Windows 10, hệ thống chạy không ổn định, bạn có thể khôi phục lại hệ thống bằng cách vào Search và tìm kiếm với từ khóa "recovery" > chọn Recovery và làm theo hướng dẫn ở giao diện Advanced recovery để khôi phục.
 
6. Cập nhật trình điều khiển
 
Trước khi nâng cấp lên Windows 10, bạn cần kiểm tra lên trang chủ của nhà sản xuất hoặc trang chủ của các nhà cung cấp linh kiện cấu thành nên máy tính bạn đang dùng (mainboard, card đồ họa, webcam...) và tải về các trình điều khiển (driver) mới nhất cho Windows 10.

 
Việc này là cần thiết để sau khi nâng cấp lên hệ điều hành mới, bạn có thể cài và dùng được ngay chứ không phải "chạy vạy" để tìm từng trình điều khiển còn thiếu, hoặc hệ thống không tự động nhận ra. Với một số hệ thống sau khi nâng cấp lên Windows 10 thì card mạng không nhận ra với trình điều khiển cũm bạn sẽ phải nhờ đến một máy tính khác để tải trình điều khiển về và chép vào máy tính dùng Windows 10 để cài, nếu như không chuẩn bị sẵn sàng.
 
Theo PCW