Hội Nhập TPP: Doanh nghiệp thủy sản thờ ơ với quản trị rủi ro

Ngày đăng 28-03-2016
Thủy sản là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của VN và đang được kỳ vọng sẽ làm “nên chuyện” khi TPP chính thức có hiệu lực. Thế nhưng, những khó khăn, thách thức đến từ nội tại và bên ngoài đang khiến cho các doanh nghiệp thủy sản mất ăn, mất ngủ.


Với kinh nghiệm thị trường non trẻ, nguồn lực hạn chế thì những biến động của thị trường thời siêu hội nhập, siêu cạnh tranh có thể sẽ khiến các doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro ở nhiều cấp độ khác nhau. Và nếu không tìm được giải pháp hữu hiệu thủy sản có thể từ ngành đang có nhiều lợi thế sẽ trở thành ngành nghề gặp nhiều khó khăn nhất trong thời TPP.
 
Hiểu rõ thách thức
 
Bước sang năm 2016, các doanh nghiệp thủy sản VN sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức không nhỏ do nhiều yếu tố: Giá giảm, biến động tiền tệ, các rào cản phi thuế quan…Những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay lao động rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa VN. Đó là những thách thức từ bên ngoài. Ngay trong chính nội tại ngành thủy sản VN cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trong đó, việc giá thành sản phẩm thủy sản VN cao hơn so với các nước đối thủ, trong khi đó chi phí sản xuất tiếp tục tăng do đầu vào phụ thuộc vào các nguồn cung cấp nước ngoài (con giống, thức ăn, thuốc thú y)… Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp đang tích cực đẩy nhanh các hoạt động xúc tiến và mở rộng thị trường để đón đầu cơ hội khi hội nhập. Nhưng đáng tiếc là hầu hết các doanh nghiệp chưa thực sự ý thức hết cũng như chuẩn bị các phương án quản trị rủi ro cho mình khi mở rộng thị trường. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục thờ ơ, tiếp tục xem nhẹ những vấn đề này thì sắp tới đây những hậu quả mà các doanh nghiệp phải gánh chịu sẽ rất lớn và ngoài sức tưởng tượng
 
Giải pháp nào hạn chế rủi ro?
 
Doanh nghiệp nhận thấy khi hiệp định TPP có hiệu lực, thủy sản sẽ là một trong những lĩnh vực được hưởng nhiều lợi thế của TPP. Vì vậy doanh nghiệp tiến hành xúc tiến nghiên cứu các phương án để có thể nắm bắt thành công các cơ hội khi thị trường TTP rộng mở …Thế nhưng, khi tham gia kinh doanh trong TPP, sự cạnh tranh trên thị trường sẽ diễn ra gay gắt hơn, những rủi ro trong hoạt động sản xuất và kinh doanh sẽ trở nên khó lường hơn mà khả năng giải quyết rủi ro của doanh nghiệp còn nhiều vấn đề nổi cộm. CEO thấy rằng, song song với việc nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, thì DN cần có các giải pháp để dự phòng và hạn chế các rủi ro có thể gặp phải
 
Nhiệm vụ của CEO là phải làm sao để rủi ro ở tối thiểu mà lợi nhuận ở mức cao nhất. Về quy trình quản trị rủi ro, CEO cần vẽ ra được môi trường rủi ro trong một vòng tròn gồm bốn nội dung: Thời hạn giao dịch; mức độ giao dịch; con người; thị phần doanh nghiệp. Mọi khâu phải có quy trình từ việc tuyển người đến nguyên liệu… đều phải theo ISO hết. Quản trị trong tầm chịu đựng của một vòng tròn đó. Khi mọi thứ vượt ra ngoài tầm quản trị mới dùng đến quỹ. Việc quản trị cần ba yếu tố: thứ nhất có bộ phận dự báo, thứ hai có sự đảm bảo về đối sách quản trị, thứ ba là việc phân tán rủi ro (đồng tài trợ giảm thiểu rủi ro). Người ta đo rủi ro bằng công thức Xác xuất chết x Mức độ chết x Quy mô cuộc chơi. Sai lầm của DN SME là giảm quy mô cuộc chơi lại. Giảm quy mô nhưng những biện pháp giảm xác xuất chết không làm thì vẫn chết. Nhưng quy mô tăng nhưng quy trình quản lý chặt chẽ thì rủi ro chắc chắn không tăng.

THEO ETV