Mất bao lâu để xây dựng và hình thành văn hóa doanh nghiệp

Ngày đăng 05-05-2016
Trong quá trình đi giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi trên từ Chủ tịch, CEO, Quản lý,… các công ty. Lý do họ hỏi là vì họ đã làm nhiều lần nhưng chưa tới, chưa thật sự thành công, vẫn còn nhiều trăn trở. Tôi xin chia sẻ một góc nhìn khác để phần nào trả lời câu hỏi này.


Văn hóa doanh nghiệp là gì? Hình thành như thế nào ?

Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp các hành vi, thói quen,…mà con người trong doanh nghiệp hành xử với nhau, với khách hàng, với đối tác, với cổ đông…và họ cho là bình thường “ở đây là dzậy đó”.

Để hình thành văn hóa doanh nghiệp thì nguyên lý là: “Dùng hệ thống, qui trình, qui định ,hướng dẫn…để điều chỉnh hành vi, tạo ra thói quen hành xử có định hướng theo sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi của công ty (Delivery), từng bước hình thành nên văn hóa doanh nghiệp tích cực. Và ngược lại khi doanh nghiệp có văn hóa mạnh và tích cực thì con người trong doanh nghiệp (dù mới hay cũ) sẽ tự giác tuân thủ qui trình, qui định của doanh nghiệp, ai không tuân thủ sẽ bị cô lập hoặc tự đào thải.

Có thể minh họa cho vấn đề này bằng câu chuyện Văn hóa đội nón bảo hiểm khi đi mô tô xe máy ở Việt Nam ta.
– Trước khi ra luật bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi mô tô xe máy, có rất nhiều nghiên cứu, tranh cải, phản biện và cho rằng khó, không khả thi.

– Nhưng khi ra luật, hầu hết mọi người sợ bị phạt mà đội, nhiều người còn đối phó mang nón theo nhưng không đội, thấy công an thì mới đội vào.

– Thực hiện liên tục nhiều năm, giờ chúng ta quan sát có thể thấy:
+ Gần như trên 97% người dân tự giác tuân thủ, vì sự án toàn của bản thân và vì tự trọng mà đội.
+ Chỉ khoảng 3% đối tượng còn chưa tự giác tuân thủ, thường thì hoặc còn thiếu ý thức (thanh niên nông nổi), hoặc là đối tượng cá biệt trong xã hội.

Mất bao lâu để con người hình thành thói quen, kỹ năng

Chúng ta xem xét dưới gốc nhìn của NLP (Neuro-Linguistic Programming) về cách học tập, tích lũy kinh nghiệm và thói quen (vô thức) của con người.

 

Quá trình hình thành thói quen – kỹ năng của con người.
 

Theo mô hình này, thì để hình thành thói quen (thực hiện hành vi lặp lại một cách vô thức) thì con người cần phải trải qua bốn giai đoạn.

1. Vô thức – Thiếu năng lực
Khi còn nhỏ (3-4 tuổi chẵn hạn), chúng ta không biết (ý thức) là lớn lên cần phải học lái xe, vì vậy chúng ta không quan tâm và cũng không biết hay nghĩ ngợi gì về việc lái xe hay phải học lái xe cả.

2. Ý thức – Thiếu năng lực
Lớn hơn 1 chút, thấy cha mẹ, tài xế của cha mẹ lái xe, bắt đầu quan tâm, thích thú và muốn lái xe, nhưng vì chưa học, chưa thực hành (làm) nên chưa thể lái xe được.

3. Ý thức – Có năng lực
Và ta quyết định đi học lái xe, và bắt đầu lái xe, nhưng do mới học nên tay lái còn non, phải tập trung 90-100% thì mới lái được, và đôi khi chỉ còn lơ đễnh 1 chút là có va quẹt ngay. Có nghĩa là chúng ta có năng lực nhưng cần tập trung cao thì mới làm được, thiếu tập trung thì đâu lại vào đó.

4. Vô thức – Có năng lực
Sau 1-2 năm lái xe, đã đi được 20.000-30.000 KM, đối với ta việc lái xe giờ dể như ăn cơm, vừa lái xe vừa nghe điện thoại, vừa lái xe vừa trò chuyện, vừa lái xe vừa ngắm cảnh, ngắm người đẹp,…không cần phải ý thức, tập trung cao, tay vẫn lái và chân vẫn đạp ga và thắng tốt (hình thành thói quen – vô thức).

Như vậy để con người có được hành vi, thói quen tích cực, học được kỹ năng mới chúng ta cần một quá trình duy trì, lặp lại hành vi đó trong một khoảng thời gian nhất định. Theo nghiên cứu của các viện ở Mỹ, thì cần 21 giờ để học được 1 kỹ năng mới, cần luyện tập 1,000 giờ (4 tháng) thuần thục và cần 10,000 giờ (3,5 năm) để trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực đó.

Cách xây dựng hệ thống và quá trình hình thành văn hóa doanh nghiệp

Trở lại với câu hỏi, chúng ta sẽ thấy các bước và thời gian cần thiết để hình thành văn hóa doanh nghiệp có thể tóm tắt như sau:

1. Xây dựng hệ thống Sứ Mạng, Tâm Nhìn, Giá trị cốt lõi và triển khai vào các Qui trình, Qui định, Hướng dẫn rõ ràng, cụ thể,…với quan điểm làm thế nào để người lao động họ tuân thủ sẽ dể hơn, sướng hơn là vi phạm (có thể dùng máy móc tự động hóa hoặc sử dụng phần mềm chẵn hạn).

2. Đào tạo và triển khai thực hiện liên tục từ 4 tháng tới 3 năm.

3. Cần phải kiểm tra, đánh giá định kỳ và cải tiến khắc phục các điểm bất hợp lý trong qui trình hiện có (cần làm cái này, vì những bất hợp lý không được loại bỏ sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý người lao động khi phải tuân thủ một điều bất hợp lý).

Tuy theo độ phức tạp của chu trình kinh doanh (business process) của từng doanh nghiệp, mà việc xây dựng hệ thống và hình thành văn hóa sẽ nhanh hơn hay lâu hơn. Tuy nhiên lãnh đạo doanh nghiệp cần chú trọng định vị, thực hiện nghiêm túc ngay trong thời gian đầu thành lập doanh nghiệp, vì một khi văn hóa đã hình thành (“ở đây là dzậy đó”), thì việc sửa chữa hoặc thay đổi sẽ mất nhiều thời gian, khó khăn hơn và đôi khi phải trả giá khá đắc.

Hy vọng những chia sẻ này phần nào góp 1 chiều thông tin có ích cho các các anh/chị là Chủ tịch, CEO, Quản lý doanh nghiệp mình.

Huỳnh Thanh Minh-Tổng giám đốc ASOFT.