Ngành thuế điểm tên danh sách 524 doanh nghiệp trong "blacklist" về rủi ro hóa đơn

Ngày đăng 29-06-2023
Trong bối cảnh ngành Thuế đang tăng cường quản lý rủi ro hóa đơn điện tử, giám sát chống gian lận thuế, ngày 16/5/2023 Tổng cục Thuế ban hành công văn 1798/TCT-TTKT năm 2023 về việc rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp của các doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn. Trong đó, danh sách 524 doanh nghiệp đã được cơ quan thuế công bố đưa vào tầm ngắm gian lận hoá đơn nhằm rà soát việc kinh doanh bất hợp pháp tại Việt Nam. 



Công văn 1798/TCT-TTKT của Tổng cục thuế



Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp
 
Tổng cục Thuế cho biết, đã nhận được công văn của Công an tỉnh Phú Thọ về đề nghị chỉ đạo phối hợp phòng ngừa tội phạm mua, bán trái phép hóa đơn điện tử.
 
Cụ thể, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện N.M.T và các cá nhân khác đã thực hiện hành vi mua DN để phát hành hóa đơn, bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
 
Theo đó, để rà soát, xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật, Tổng cục Thuế đã có Công văn 1798/TCT-TTKT yêu cầu cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp theo hướng dẫn, chỉ đạo của Tổng cục Thuế trước đó tại các Công văn 129/TCT-TTKT ngày 9/11/2022, Công văn 133/TCT- TTKT ngày 23/11/2022, để kịp thời báo cáo đầy đủ các nội dung về Tổng cục Thuế theo đúng quy định.
 

524 doanh nghiệp bị đưa vào danh sách đen



Danh sách 524 doanh nghiệp rủi ro thuế

 
Hiện nay, 524 doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế đưa vào tầm ngắm gian lận hoá đơn nhằm rà soát việc kinh doanh bất hợp pháp tại Việt Nam, phổ biến nhất đó chính là: 
  • Gian lận thuế, trốn thuế
  • Sử dụng hoá đơn giả, lợi nhuận không chính chức, minh bạch
  • Ghi nhận chi phí không chính xác, lạm dụng quyền khấu trừ thuế 
  • Kê khai hàng hóa không đúng, không minh bạch và không có tài liệu chứng minh
 
Được biết, theo danh sách 524 DN phải tiến hành rà soát các hóa đơn xuất bán ra có rủi ro về hoá đơn điện tử, thì trên địa bàn TP Hà Nội có 33 DN; trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 491 DN.
Ngày 16/5/2023, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn 1798/TCT-TTKT nhằm rà soát và xử lý các hóa đơn không hợp pháp. Trong công văn này, Tổng cục Thuế đã công bố danh sách 524 doanh nghiệp có rủi ro liên quan đến hóa đơn, chủ yếu là các doanh nghiệp tại Tp. Hồ Chí Minh và một số doanh nghiệp tại Hà Nội.
 
Trong đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế tập trung vào việc rà soát các hóa đơn xuất bán ra của 524 doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn, rà soát, kiểm tra doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của các đơn vị này. Nếu phát hiện các trường hợp sử dụng hóa đơn của các doanh nghiệp có trong danh sách, các doanh nghiệp đó sẽ phải giải trình và làm rõ việc sử dụng hóa đơn đó để khấu trừ hoàn thuế giá trị gia tăng, tính vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp, hợp thức hàng hóa mua trôi nổi, buôn lậu.
 
Trong trường hợp phát hiện vi phạm thực tế, các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn sẽ bị xử lý về thuế theo quy định hoặc sẽ bị Cục Thuế củng cố hồ sơ và chuyển giao cho cơ quan Công an để yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật.
 

Doanh nghiệp cần chú ý rà soát lại hệ thống hóa đơn mua hàng hóa
 
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú ý rà soát lại hệ thống hóa đơn mua hàng hóa của mình để xác định xem có sử dụng hóa đơn phát hành bởi các doanh nghiệp trong danh sách 524 doanh nghiệp không để có hướng xử lý phù hợp.
 
Việc công bố danh sách hơn doanh nghiệp rủi ro về hoá đơn điện tử nhằm giúp doanh nghiệp trên cả nước có sử dụng hoá đơn của đơn vị này chủ động điều chỉnh, loại bỏ khỏi chi phí quyết toán thuế.
 
“Doanh nghiệp cần chủ động loại bỏ hoá đơn của hơn 500 doanh nghiệp rủi ro về hoá đơn điện tử khi làm thủ tục quyết toán thuế. Khi kiểm tra, nếu phát hiện việc sử dụng hoá đơn của hơn 500 doanh nghiệp này, cơ quan thuế sẽ xử phạt theo quy định”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết

Những yếu tố khiến doanh nghiệp bị rủi ro hóa đơn điện tử



Rủi ro thuế có nhiều yếu tố

 
Một số yếu tố có thể khiến doanh nghiệp gặp rủi ro về hóa đơn điện tử như:
Giả mạo hồ sơ đăng kí doanh nghiệp
Doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký
Người nộp thuế có thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp nhiều lần kể từ khi thành lập
Người nộp thuế đăng ký tạm ngừng, khôi phục tạm ngừng nhiều lần.
 
 

Hậu quả doanh nghiệp phải gánh vác



Hóa đơn bất hợp pháp vẫn là một thách thức đáng lo ngại
 
Vấn đề liên quan đến hóa đơn bất hợp pháp vẫn là một thách thức đáng lo ngại không chỉ đối với cơ quan chức năng mà còn đối với các doanh nghiệp. Việc hạch toán và kê khai hóa đơn bất hợp pháp, dù có ý đồ hoặc vô tình, đều mang đến những rủi ro không thể đoán trước cho doanh nghiệp.
 
Dù có ý đồ hay không, việc người mua nhận và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cũng mang lại những hậu quả pháp lý và tổn thất cho doanh nghiệp:
 
Không được tính chi phí được trừ: Khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể tính vào các chi phí liên quan nếu sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Đồng thời, họ cũng không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi kê khai thuế.
 
Trách nhiệm pháp lý: Cách mức trách nhiệm pháp lý được áp dụng sẽ phụ thuộc vào việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp có liên quan đến việc trốn thuế hay gian lận thuế hay không. Truy cứu và xử lý vi phạm sẽ phụ thuộc vào quy định của pháp luật.
 
Xử phạt hành chính: Nếu cơ quan thuế xác nhận việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính từ 20.000.000 đến 50.000.000 đồng.
 

Tạm kết

Qua vụ việc danh sách 524 doanh nghiệp rủi ro hóa đón điện tử, ta có thể thấy việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, dù cố ý hay vô tình, đều mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Để tránh các rủi ro này, các doanh nghiệp cần tuân thủ chính sách và quy định thuế, đảm bảo rằng hóa đơn sử dụng là hợp pháp và tuân thủ đúng quy trình kế toán và kê khai thuế.
 
Ban biên tập Asoft