Hàng loạt kế hoạch hành động cải thiện môi trường kinh doanh

Ngày đăng 27-02-2017
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cùng lúc trình làng kế hoạch hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.


 
Kế hoạch của hai Bộ nêu loạt giải pháp để môi trường kinh doanh đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN 4.
 
Nét nổi bật của các chỉ tiêu năm nay là thay vì đánh giá hoạt động cải cách hành chính theo các chỉ tiêu nội tại như các năm trước, việc triển khai bám sát theo các tiêu chí đánh của Ngân hàng Thế giới.
 
Nâng điểm tất cả các chỉ tiêu
 
Cụ thể, ngành Công Thương bám sát tiêu chí đánh giá của Ngân hàng thế giới và Diễn đàn kinh tế thế giới; củng cố, duy trì các kết quả đạt được về môi trường kinh doanh,phấn đấu nâng điểm trên tất cả các chỉ tiêu.
 
Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cùng lúc trình kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ảnh: Việt Dũng. 
Nhiều nội dung đáng chú ý của kế hoạch, như rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục. Cụ thể, tiếp cận điện năng không quá 35 ngày; thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng nhập khẩu; giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày.
 
Bên cạnh là đó tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, ổn định, tự do sáng tạo cho doanh nghiệp khởi nghiệp; phấn đấu đạt mức một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, trong đó tối thiểu 0,5% là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
 
Tư lệnh ngành này yêu cầu những đơn vị thuộc Bộ thực hiện giải pháp, nhiệm vụ cải thiện các chỉ số, đề xuất giải pháp, nhiệm vụ để cải thiện các chỉ số đó hơn nữa.
 
Cải cách thuế, hải quan

Trong khi đó, Bộ Tài chính đặt mục tiêu đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4 về cải cách hành chính thuế, bao gồm cả 3 nhóm chỉ tiêu (hoàn thuế; quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra thuế; thời gian và kết quả xử lý khiếu nại về thuế).
 

 
Các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam giai đoạn 2014-2016. Đồ họa: Kiều Linh. 

 
Bên cạnh đó là rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 168 giờ/năm (trong đó thuế là 119 giờ, bảo hiểm là 49 giờ); cải thiện vị trí xếp hạng về thuế và bảo hiểm xã hội theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, từ thứ hạng 167 phấn đấu đứng thứ hạng dưới 100.
 
Bộ Tài chính cũng mong muốn rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu và 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; cải thiện vị trí xếp hạng về thời gian thực hiện giao dịch thương mại qua biên giới theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới từ thứ hạng 93 phấn đấu đứng thứ hạng dưới 82.
 
Đáng chú ý, thời gian thực hiện thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội được tách bạch riêng đối với từng lĩnh vực, thay vì gộp vào.
 
Để làm được điều này, Bộ Tài chính giao Hải quan 13 nhóm nhiệm vụ với 36 giải pháp, gắn với 57 sản phẩm đầu ra. Trong đó yêu cầu Hải quan tập trung vào hoàn thiện và nâng cao hiệu quả của Hệ thống thông quan tự động; củng cố và triển khai mở rộng ra toàn quốc với các thủ tục hành chính đã kết nối chính thức thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia.
 
Ngành Hải quan cũng cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi văn bản liên quan đến quản lý chuyên ngành, để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; mở rộng thực hiện kiểm tra chuyên ngành với các địa điểm kiểm tra tập trung tại cửa khẩu.
 
Lĩnh vực thuế được giao 7 nhóm nhiệm vụ với 20 giải pháp và 31 sản phẩm đầu ra, tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi thể chế chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
 
Cùng với đó là thực hiện kê khai, nộp thuế, hoàn thuế, giải quyết khiếu nại; tiếp tục triển khai mở rộng khai và nộp thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà, nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
 
Ngoài ra còn có thí điểm về khai và nộp thuế điện tử lệ phí trước bạ ôtô, xe máy; thí điểm thực hiện nộp thuế điện tử đối với cá nhân kinh doanh thông qua tổ chức nhận ủy nhiệm thu thuế,...

Theo Zing