Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 03/2016

Ngày đăng 18-03-2016
Sau đây là những chính sách mới nổi bật bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 11 – 20/3/2016

1. Tăng mức vốn cho vay đối với thương nhân, hộ gia đình
 
Từ ngày 15/3/2016, tăng mức cho vay đối với thương nhân và hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn theo quy định tại các Quyết định 306/QĐ-TTg và 307/QĐ-TTg . Cụ thể:
 
Theo Quyết định 306/QĐ-TTg , mức vốn vay tối đa đối với một hộ gia đình sản xuất, kinh doanh là 50 triệu đồng; trong một số trường hợp cụ thể mức vốn vay có thể trên 50 triệu đồng nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng.
 
Người vay vốn từ trên 50 triệu đồng phải thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm.
 
Theo Quyết định 307/QĐ-TTg , thương nhân là cá nhân không thực hiện mở sổ sách kế toán và nộp thuế khoán theo quy định của cơ quan thuế được vay tối đa là 50 triệu đồng và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm.
 
2. Xác định tiền lãi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội
 
Thông tư 20/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện cơ chế quản lý tài chính về bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 20/3/2016.
 
Theo đó, trường hợp chậm đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, tiền lãi chậm đóng được xác định hằng tháng theo công thức sau:
 
Số tiền lãi phải thu phát sinh trong tháng (n) = Số tiền chậm đóng lũy kế đến cuối tháng (n-2) x Lãi suất chậm đóng (%/tháng).
 
Trong đó:
 
- (n) là tháng xác định tiền lãi chậm đóng.
 
- (n-2) là tháng liền trước 02 tháng của tháng (n).
 
- Lãi suất chậm đóng (%/tháng) là mức lãi suất bình quân tính theo tháng do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam thông báo đầu năm theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 6 Quyết định 60/2015/QĐ-TTg .
 
3. Bắt buộc tăng cường I-ốt vào muối
 
Theo Nghị định 09/2016/NĐ-CP , việc tăng cường I-ốt, sắt, kẽm và vitamin A vào thực phẩm nhằm:
 
Tăng cường I-ốt vào muối để phòng, chống bệnh bướu cổ, đần độn và các rối loạn do thiếu I-ốt gây ra.
 
Tăng cường sắt vào bột mỳ để phòng, chống thiếu máu thiếu sắt và khắc phục các hậu quả do thiếu máu thiếu sắt gây ra như chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm phát triển trí tuệ.
 
Tăng cường kẽm vào bột mỳ để cải thiện tăng trưởng góp phần nâng cao tầm vóc con người; phòng, chống một số rối loạn chuyển hóa, biệt hóa tế bào, bệnh nhiễm khuẩn, rối loạn phát triển xương, suy giảm chức năng sinh dục.
 
Tăng cường vitamin A vào dầu thực vật để phòng, chống khô mắt, mù lòa và khắc phục các hậu quả như còi cọc, suy dinh dưỡng do thiếu vitamin A gây ra và góp phần tăng cường sức đề kháng cơ thể.
 
Nghị định 09/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/3/2016.
 
4. Công bố dịch bệnh truyền nhiễm
 
Quyết định 02/2016/QĐ-TTg về điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm có hiệu lực từ ngày 15/3/2016. 
 
Theo đó, việc công bố dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện khi:
 
- Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A: có ít nhất một người bệnh được chẩn đoán xác định.
 
- Đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B và nhóm C:
 
+ Một xã, phường, thị trấn được coi là có dịch khi có số người mắc bệnh vượt quá số mắc trung bình của tháng cùng kỳ 03 năm gần nhất.
 
+ Một huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được coi là có dịch khi có từ 2 xã có dịch trở lên.
 
+ Một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được coi là có dịch khi có từ 2 huyện có dịch trở lên.
 
5. Quy định tiếp công dân của Bộ Thông tin và Truyền thông
 
Ngày 01/02/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư 03/2016/TT-BTTTT quy định về tiếp công dân, xử lý và giải quyết đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.
 
Thông tư này áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; các tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo đó:
 
- Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân gồm:
 
+ Bộ Thông tin và Truyền thông;
 
+ Cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông;
 
+ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực;
 
+ Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông có liên quan đến việc giải quyết chế độ, chính sách, quyền lợi của công dân, tổ chức.  
 
- Việc tiếp công dân thường xuyên được thực hiện tại phòng tiếp công dân trong giờ hành chính, trừ trường hợp đột xuất do người có thẩm quyền quyết định.
 
- Phòng tiếp công dân phải có biển ghi “Phòng tiếp công dân”, được niêm yết lịch làm việc và có “Nội quy tiếp công dân”.
 
- Quy trình tiếp công dân thực hiện theo Thông tư 06/2014/TT-TTCP .
 
Thông tư 03/2016/TT-BTTTT có hiệu lực kể từ ngày 18/03/2016 và thay thế Thông tư 03/2010/TT-BTTTT .
 
6. Điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng
 
Thông tư 19/2016/TT-BTC hướng dẫn Quyết định 58/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn, định mức, chế độ quản lý, sử dụng máy móc, thiết bị của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 16/3/2016.
 
Theo đó, Thẩm quyền điều chỉnh mức giá trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến tại tổ chức, cơ quan, đơn vị được thực hiện như sau:
 
- Đối với nhu cầu phải trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có giá mua cao hơn không quá 10% so với quy định tại Điều 6 và Điều 7 Quyết định 58 thì thẩm quyền xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định thuộc:
 
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương.
 
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 
- Trường hợp phải trang bị máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến có giá cao hơn từ trên 10% đến không quá 20% so với mức giá tại Điều 6 và Điều 7 Quyết định 58 thì Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị bằng văn bản của:
 
+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan ở Trung ương.
 
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
 
Thông tư này thay thế Thông tư 94/2006/TT-BTC .
Theo TVPL