Chính sách nổi bật có hiệu lực từ 01/03/2015

Ngày đăng 27-02-2015
Sau quãng thời gian nghỉ tết dài, thì tháng 3 là thời điềm các doanh nghiệp chính thức bắt nhịp trở lại với hoạt động sản xuất kinh doanh, đây cũng là thời điềm nhiều chính sách mới bắt đầu có hiệu lực cần phải cập nhật

1. Thay đổi mã vùng điện thoại cố định
 
Theo Thông tư 22/2014/TT-BTTTT về Quy hoạch kho số viễn thông thì mã vùng điện thoại các tỉnh thành trực thuộc trung ương sẽ thay đổi như sau:
 
TP Hà Nội đổi từ 4 thành 24; TP Hồ Chí Minh đổi từ 8 thành 28; TP Đà Nẵng đổi từ 511 thành 236; TP Hải Phòng đổi từ 31 thành 225; TP Cần Thơ đổi từ 710 thành 292,… 
 
Số thuê bao điện thoại cố định sẽ có độ dài từ 7 – 8 chữ số (trước đây cho phép từ 6 – 9 chữ số).
 
Đối với mạng viễn thông di động đã có quy định cụ thể về mã mạng (có độ dài 2 chữ số); số thuê bao có độ dài từ 7 – 8 chữ số (trước đây là 7 – 9 chữ số).
 
Đối với mạng viễn thông dùng riêng của cơ quan Đảng, Nhà nước; Bộ Quốc phòng; Bộ Công an số thuê bao có độ dài 5, 6 hoặc 7 chữ số phụ thuộc vào quy mô của mỗi mạng và giai đoạn áp dụng.
 
Số dịch vụ khẩn cấp vẫn giữ nguyên có 3 chữ số là: 112 là số dịch vụ gọi tìm kiếm, cứu nạn; 113 là số dịch vụ gọi Công an; 114 là số dịch vụ gọi Cứu hỏa; 115 là số dịch vụ gọi Cấp cứu y tế. 
 
Số dịch vụ khẩn cấp là số dịch vụ toàn quốc.
 
Thông tư trên thay thế Quyết định 52/2006/QĐ-BBCVT, 53/2006/QĐ-BBCVT .
 
2. Chế độ bồi dưỡng đi biển đối với Kiểm ngư viên, Thuyền viên
 
Theo Quyết định 02/2015/QĐ-TTg thì mức hưởng chế độ bồi dưỡng đi biển là 150.000 đồng/người/ngày thực tế đi biển thực hiện nhiệm vụ đối với các đối tượng sau:
 
- Kiểm ngư viên, Thuyền viên tàu Kiểm ngư, công chức, viên chức và người lao động các đơn vị thuộc Cục Kiểm ngư, người được cấp có thẩm quyền cử biệt phái, điều động tham gia thực hiện nhiệm vụ Kiểm ngư trên biển.
 
- Người được cơ quan, đơn vị cử tham gia phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên tàu Kiểm ngư.
 
Nguồn kinh phí thực hiện chế độ bồi dưỡng đi biển được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước.
 
3. Hướng dẫn đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ
 
Cầu không đảm bảo điều kiện quy định phải đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu. 
 
Theo đó, trị số ghi trên biển báo hiệu là kết quả tính toán hoặc kiểm định cầu, làm tròn số đến đơn vị tấn, được quyết định bởi cấp có thẩm quyền quy định.
 
Nội dung trên được quy định tại Thông tư 84/2014/TT-BGTVT về tổ chức giao thông và đặt biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe qua cầu đường bộ.
 
Mặt khác, biển báo hiệu hạn chế trọng lượng xe được lắp đặt cho từng cầu, biển đặt bên phải theo chiều đi, cách hai đầu cầu từ 10 đến 30 mét ở vị trí dễ quan sát.
 
4. Quy định mới về xử lý tiền tạm ứng án phí
 
Theo Nghị quyết 02/2015/NQ-HĐTP, sẽ sung vào công quỹ nhà nước số tiền tạm ứng án phí đã nộp trong trường hợp:
 
- Người bị kiện hủy bỏ quyết định hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; 
 
- Chấm dứt hành vi hành chính bị khởi kiện và người khởi kiện đồng ý rút đơn khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập đồng ý rút yêu cầu.
 
5. Không được phép phát hành hơn 1 Ví điện tử cho 1 tài khoản
 
Tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử không được phép:
 
- Phát hành hơn 01 (một) Ví điện tử cho một tài khoản thanh toán của khách hàng tại một ngân hàng. 
 
- Cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng Ví điện tử, trả lãi trên số dư Ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên Ví điện tử.
 
Đó là nội dung được quy định trong Thông tư 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.
 
Mặt khác, tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử phải có công cụ để Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, giám sát theo thời gian thực tổng số tiền của khách hàng trên các Ví điện tử và tổng số tiền trên tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ Ví điện tử tại các ngân hàng.
 
Việc nạp tiền vào Ví điện tử, rút tiền ra khỏi Ví điện tử của khách hàng phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng.
 
6. Quy định mới về hoạt động y tế trên môi trường mạng
 
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng và triển khai các hoạt động y tế trên môi trường mạng trên lãnh thổ Việt Nam phải đáp ứng điều kiện về nhân lực như sau:
 
Bảo đảm nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) đáp ứng được yêu cầu hoạt động y tế trên môi trường mạng của cơ quan.
 
Đối với các cơ quan sự nghiệp hạng đặc biệt, hạng 1 và các trường đại học phải có phòng CNTT, tối thiểu 5 người, trong đó có trình độ từ cao đẳng chuyên ngành CNTT trở lên chiếm 60% tổng số nhân lực của phòng.
 
Đối với các cơ quan sự nghiệp hạng 2, hạng 3 bảo đảm phải có tổ CNTT trở lên với nhân sự tối thiểu là 3 người có trình độ CNTT từ trung cấp trở lên.
 
Trường hợp thuê nhân lực bên ngoài, nhân lực tham gia hoạt động y tế trên môi trường mạng của đơn vị được thuê phải đáp ứng yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ và trong hợp đồng có điều khoản ghi rõ việc thực hiện cam kết.
 
Nội dung trên được Bộ Y Tế quy định tại Thông tư 53/2014/TT-BYT .

7. Hướng dẫn mới về tiền lương
 
Nhiều điểm mới về tiền lương được quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Bộ luật lao động. Đơn cử như:
 
Người sử dụng lao động trả lương chậm từ 15 ngày trở lên phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) công bố tại thời điểm trả lương.
 
Nếu NHNNVN không quy định thì dựa trên lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.
 
Ngoài ra, Nghị định còn nêu rõ việc thương lượng bồi thường thiệt hại trong trường hợp đình công bất hợp pháp phải thực hiện trong 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu bồi thường thiệt hại.
 
Nghị định 05 thay thế các Nghị định 196-CP năm 1994, 41-CP năm 1995, 93/2002/NĐ-CP, 33/2003/NĐ-CP, 11/2008/NĐ-CP .
 
8. Ngành dầu khí: Công ty con không được đầu tư góp vốn vào công ty mẹ
 
Đó là một trong những Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Chính phủ ban hành tại Nghị định 06/2015/NĐ-CP .
 
Ngoài ra công ty con, đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ không được:
 
- Góp vốn cùng Công ty mẹ để thành lập doanh nghiệp mới; 
 
- Góp vốn, mua cổ phần khi cổ phần hóa các đơn vị trong cùng Tập đoàn hoặc tổ hợp Công ty mẹ - công ty con.
 
Nếu doanh nghiệp có hoạt động đầu tư vốn ra bên ngoài không đúng đối tượng nhưng không thực hiện điều chỉnh cơ cấu đầu tư như quy định thì sẽ bị xem xét và xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng thành viên.
 
Nghị định này thay thế Nghị định 142/2007/NĐ-CP và 44/2010/NĐ-CP .
 
9. Xác định thiệt hại đối với môi trường
 
Hình thức, thời điểm thu thập dữ liệu, chứng cứ để xác định thiệt hại đối với môi trường được quy định cụ thể tại Nghị định 03/2015/NĐ-CP . Theo đó:
 
Dữ liệu, chứng cứ xác định có thể dưới hình thức: Hình ảnh, băng từ, dữ liệu thu được từ quan trắc, đo đạc, phân tích, viễn thám, hệ thống thông tin địa lý và các hình thức khác.
 
Thời điểm thu thập dữ liệu, chứng cứ phải được thu thập lúc  môi trường bị ô nhiễm, suy thoái ở mức cao nhất tính từ khi xảy ra hoặc tại thời điểm phát hiện môi trường bị ô nhiễm, suy thoái.
 
Đồng thời quy định: các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường dẫn đến thiệt hại đối với môi trường diễn ra trước ngày 01/01/2015 mà chưa được bồi thường thì việc xác định thiệt hại và trách nhiệm bồi thường theo Nghị định này.
 
Nghị định 03 thay thế cho Nghị định 113/2010/NĐ-CP .
 
10. Cho phép giảm tối đa 5% giá bán doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
 
Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới. Theo đó:
 
Nếu người mua doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp trả tiền một lần ngay sau khi mua thì được giảm giá tối đa là 5% giá bán.
 
Nếu  tập thể người lao động trong doanh nghiệp trúng đấu giá hoặc là người duy nhất đăng ký mua, thì được giảm 15% giá bán.
 
Giá bán nêu trên không bao gồm giá trị quyền sử dụng đất nhưng không vượt quá số vốn chủ sở hữu hiện có tại doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp.
 
Nghị định 128 bãi bỏ Nghị định 109/2008/NĐ-CP .
 
11. Thanh toán chi phí hồi hương cho thuyền viên
 
Chủ tàu phải có trách nhiệm thanh toán các chi phí liên quan đến việc hồi hương của thuyền viên gồm:
 
- Chi phí đi đến địa điểm lựa chọn để thuyền viên hồi hương;
 
- Chi phí ăn, ở của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu cho đến địa điểm hồi hương;
 
- Tiền lương và trợ cấp đi lại của thuyền viên tính từ thời điểm rời tàu cho đến địa điểm hồi hương;
 
- Chi phí vận chuyển tối đa 30 kg hành lý cá nhân của thuyền viên đến địa điểm hồi hương;
 
- Chi phí chăm sóc y tế cần thiết cho tới khi thuyền viên đủ điều kiện sức khỏe để đi đến địa điểm hồi hương. 
 
Nội dung này được quy định tại Nghị định 121/2014/NĐ-CP .
 
12. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về pháp luật
 
Nghị định 113/2014/NĐ-CP về quản lý hợp tác quốc tế về pháp luật đã quy định rõ nguyên tắc thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật như sau:
 
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
 
- Bảo đảm tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật.
 
- Bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
 
- Bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực và không trùng lặp.
 
- Bảo đảm đúng pháp luật, hiệu quả trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài trong hợp tác quốc tế về pháp luật.
 
- Việc xây dựng, phê duyệt, quản lý và thực hiện chương trình, dự án, viện trợ phi dự án về pháp luật phải tuân theo các quy định của Nghị định này, các quy định pháp luật về quản lý, sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, viện trợ phi Chính phủ nước ngoài và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
 
Nghị định 113 thay thế Nghị định 78/2008/NĐ-CP .
 
13. Cấm quảng cáo sữa thay thế sữa mẹ
 
Ngày 06/11/2014, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và sử dụng sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ, bình bú và vú ngậm nhân tạo. Theo đó:
 
Nghiêm cấm các hành vi quảng cáo:
 
- Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; 
 
- Thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; 
 
- Bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức;
 
- Sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai.
 
Nghị định 100 thay thế Nghị định 21/2006/NĐ-CP .
Theo TVPL