Chính sách nổi bật có hiệu lực từ đầu tháng 11

Ngày đăng 03-11-2014
Từ ngày 01 – 10/11/2014, nhiều chính sách nổi bật bắt đầu có hiệu lực, cụ thể như sau:


Nộp phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện
 
Kể từ ngày 01/11, các phương tiện lưu thông đường bộ sẽ phải nộp phí sử dụng theo đầu phương tiện theo quy định tại Thông tư 133/2014/TT-BTC .
 
Theo đó, chủ phương tiện xe ô tô nộp Phí theo năm, tháng hoặc theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Cơ quan đăng kiểm cấp Tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.
 
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn và đơn vị có liên quan là cơ quan thu phí đối với xe mô tô và tính theo thời điểm đăng ký xe để xác định mức thu phí.
 
Chi tiết mức thu đối với các loại phương tiện được quy định tại phụ lục 01 của Thông tư.
 
Nhiều thay đổi về hồ sơ tham gia bảo hiểm xã hội
 
Từ ngày 01/11, Hồ sơ tham gia BHXH của các doanh nghiệp sẽ có nhiều thay đổi theo hướng giảm tải theo quy định tại 1018/QĐ-BHXH .
 
Theo đó: 
 
-  Bỏ mẫu D01-TS, D01b-TS tại các thủ tục có yêu cầu như báo giảm lao động, ngừng đóng, tạm ngừng đóng BHXH…
-  Bỏ danh sách người lao động tham gia BHXH có yêu cầu như thủ tục tham gia lần đầu, báo tăng, báo giảm lao động…
-  Thay “tờ khai tham gia BHXH, BHYT”, “tờ khai tham gia BHXH tự nguyện”, “tờ khai tham gia BHXH” bằng “tờ khai tham gia BHXH, BHYT” mới và “tờ khai thay đổi thông tin người tham gia BHXH, BHYT”.
-  Định nghĩa cụ thể như thế nào là bản chụp và quy định cụ thể việc hồ sơ hưởng BHXH không yêu cầu bắt buộc phải nộp các chứng từ có công chứng.
 
Liên quan đến tổ chức bộ máy hành chính, một số quy định nổi bật sẽ có hiệu lực như:
 
Chính sách tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào cơ quan nhà nước
 
Từ ngày 01/11, TTLT 02/2014/TTLT-BNV-UBDT chính thức có hiệu lực, hướng dẫn về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ công chức là người dân tộc thiểu số.
 
Theo đó, trong tổng biên chế cán bộ công chức, viên chức của Ủy Ban Dân Tộc (UBDT) sẽ phải có ít nhất 40% vị trí dành cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số. 
 
Tùy thuộc vào tình hình thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định chỉ tiêu biên chế phù hợp. Đặc biệt, ở vùng dân tộc thiểu số, nhất thiết phải có cán bộ, viên chức lãnh đạo là người đân tộc thiểu số.
 
Người dân tộc thiểu số được cử đi học Đại học, Cao đẳng, Cao đẳng nghề, Trung cấp theo chế độ cử tuyển được tuyển dụng không qua thi công chức.
 
Hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Công an
 
Ngày 10/11, Chế độ thi đua khen thưởng đối với CAND, CA xã, bảo vệ dân phố và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được quy định bởi Thông tư 40/2014/TT-BCA chính thức có hiệu lực, thay thế cho Thông tư 23/2011/TT-BCA .
 
Thông tư quy định một số điểm mới như sau:
 
- Chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong CAND nhập ngũ đợt 1 của năm cũng được xét tặng danh hiệu thi đua.
- Một số tiêu chuẩn để xét chọn đối tượng đạt các danh hiệu như: chiến sĩ thi đua cơ sở”, “chiến sĩ thi đua toàn lực lượng công an”, “chiến sĩ thi đua toàn quốc” được thay đổi và quy định cụ thể hơn.
- Học viên các trường CAND được xem xét khen thưởng.
 
Chế độ luân phiên công tác ngành Y tế
 
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 18/2014/TT-BYT hướng dẫn chế độ luân phiên công tác đối với bác sỹ, điều dưỡng viên.
 
Trong Thông tư quy định một số nội dung như:
 
- Việc luân chuyển công tác phải bảo đảm đúng lĩnh vực chuyên môn, số lượng, chất lượng của người hành nghề đi luân phiên.
- Tổng thời gian đi luân phiên có thời hạn tối thiểu là 132 ngày làm việc, tối đa là 264 ngày.
- Ngoài tiền lương, phụ cấp được hưởng, người hàng nghề luân phiên công tác được hưởng trợ cấp đặc thù hằng tháng bằng 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, thâm niên.
 
Thông tư chính thức có hiệu lực vào ngày 10/11/2014.
 
Nâng cao chất lượng Thanh tra viên giáo dục
 
Bộ GDĐT ban hành Thông tư 32/2014/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra giáo dục, góp phần kiện toàn đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục.
 
Theo đó, Chương trình này bao gồm 75 tiết, trong đó có 34 tiết lý thuyết, 21 tiết thực hành và 20 tiết làm tiểu luận, tìm hiểu thực tế nhằm nắm vững quy định pháp luật, nâng cao các kỹ năng thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo.
 
Các CTV thanh tra giáo dục sẽ được bồi dưỡng tập trung một đợt và phải đảm bảo thời lượng và nội dung chương trình bồi dưỡng, có tiểu luận và tìm hiểu thực tế được đánh giá đạt yêu cầu và tham gia 80% buổi học, mới được cấp chứng chỉ.
 
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/11/2014.
 
Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo Giao thông đường bộ
 
Kể từ ngày 01/11, việc tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của Bộ GTVT theo Thông tư 39/2014/TT-BGTVT chính thức được thực thi.
 
Theo đó, Bộ trưởng và Thứ trưởng Bộ GTVT có trách nhiệm tiếp công dân ít nhất 1 ngày/ tháng, chưa kể các trường hợp đột xuất khác.
 
Các trường hợp đơn thư khiếu nại, tố cáo kiến nghị không được xử lý:
 
- Trên đơn gửi cho nhiều cơ quan, nhiều người và đã có tên của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giải quyết.
- Đơn không có chữ ký, không ghi rõ họ, tên, địa chỉ của người khiếu nại; không ghi rõ tên cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại…
 
Trong 10 ngày quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo phải được công khai.
 
Thu hút nhân lực hoạt động KHCN từ nước ngoài
 
Người VN ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài có sáng chế, công trình nghiên cứu Khoa học công nghệ xuất sắc sẽ được hưởng một số ưu đãi tại Việt Nam theo quy định của Nghị định 87/2014/NĐ-CP .
 
Một số chính sách đáng chú ý như: 
 
- Được cấp thị thực nhiều lần hoặc Thẻ tạm trú với thời hạn tối đa, xem xét cấp Thẻ thường trú;
- Rút gọn thủ tục Cấp phép lao động;
- Hỗ trợ chỗ ở trong thời gian hoạt động tại VN; bố trí phương tiện đi lại nếu chủ trì nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia đặc biệt quan trọng;
- Ưu đãi tối đa về thuế, chuyển thu nhập hợp pháp ra nước ngoài, hỗ trợ kinh phí tổ chức hội thảo KHCN;
 
Việc kinh doanh xăng dầu sẽ được quản lý theo quy định mới
 
Từ 01/11 Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu sẽ chính thức có hiệu lực, thay thế Nghị định 84/2009/NĐ-CP .
 
Thay đổi có thể ảnh hưởng nhiều đến người dân nhất chính là các quy định về việc tăng/giảm giá xăng như: giảm thời gian tính giá cơ sở từ 30 ngày xuống còn 15 ngày; nếu giá cơ sở tăng từ 0 - 3% thì DN tự quyết định việc tăng/giảm, từ 3 – 7% thì việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các bộ, trên 7% là do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
 
Bên cạnh đó, Nghị định cũng bổ sung thêm một số quy định về quản  lý hoạt động này như thêm 2 đối tượng tham gia thị trường kinh doanh xăng dầu là thương nhân phân phối và thương nhân nhượng quyền;  cho phép thương nhân phân phối nhận xăng dầu từ nhiều đầu mối…
 
Hoạt động Ngân hàng: có nhiều quy định mới có hiệu lực 
 
- Từ ngày 01/11, việc thực hiện các khoản vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh sẽ thực hiện theo các quy định tại Thông tư 25/2014/TT-NHNN .
 
Một trong những nội dung mới của quy định này là việc khoản vay ngắn hạn không có hợp đồng gia hạn còn dư nợ tại thời điểm tròn 1 năm kể từ ngày rút vốn đầu tiên sẽ phải đăng ký với NHNN; riêng trường hợp bên vay hoàn thành việc trả nợ trong 10 ngày kể từ thời điểm trên thì không phải đăng ký.
 
Các khoản vay nước ngoài đã thực hiện trước 01/11/2014 sẽ tiếp tục thực hiện theo văn bản xác nhận đã được cấp.
 
- Đối với các NHTM thực hiện chính sách tín dụng cho người nuôi tôm, cá tra theo Quyết định 540/QĐ-TTg thì từ ngày 01/11 sẽ bắt đầu được NHNN thực hiện hỗ trợ tái cấp vốn theo Thông tư 26/2014/TT-NHNN .
 
Các NHTM thực hiện hồ sơ theo hướng dẫn ở Thông tư này để đề nghị tái cấp vốn; lãi suất tái cấp vốn là 0% và lãi suất quá hạn sẽ bằng 150% lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn do NHNN công bố.
 
- Cũng từ ngày 01/11 thì một số thay đổi trong điều kiện hoạt động tổ chức thông tin tín dụng theo Thông tư 27/2014/TT-NHNN sẽ được áp dụng, ví dụ như: thêm điều kiện về trình độ đối với chủ tịch HĐQT, HĐTV của tổ chức, Cơ quan Thanh tra, giám sát NH sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ thay cho trung tâm thông tin tín dụng…
 
Tài chính nhà nước: Công khai thông tin đơn vị gây lãng phí ngân sách
 
- Nghị định 84/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013 sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/11; nổi bật trong nghị định này là các quy định hướng dẫn việc công khai thông tin về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
 
Theo hướng dẫn,các cơ quan, tổ chức có hành vi lãng phí thì tùy vào quy mô, mức độ ảnh hưởng sẽ bị công khai thông tin theo một trong các hình thức sau: 
 
+ Công bố tại cuộc họp và niêm yết tại trụ sở;
+ Đưa lên trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử của đơn vị;
+ Thông báo trên các ấn phẩm báo chí hoặc các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Nội dung công khai bao gồm tên, địa chỉ của đơn vị gây lãng phí; hành vi gây lãng phí; biện pháp đã xử lý với người có hành vi lãng phí, việc công khai thông tin này sẽ được thực hiện chậm nhất là 3 ngày làm việc sau khi cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử lý.
 
- Một văn bản khác cũng liên quan đến việc điều hành quản lý tài chính nhà nước là Quyết định 51/2014/QĐ-TTg về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 01/11.
 
Nổi dung có thể xem là nổi bật trong văn bản này là việc hướng dẫn thoái vốn dưới mệnh giá: theo quyết định này thì nếu như không cháo bán hết cổ phần hoặc không tìm được nhà đầu tư mua cổ phần thì chủ sở hữu vốn nhà nước có thể giảm giá tối đa 10% so với giá bình quân giao dịch thành công.
 
- Đến ngày 10/11 thì Thông tư 18/2014/TT-BTP về việc bán đấu giá tài sản là khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua của các tổ chức tín dụng sẽ chính thức được áp dụng.
 
Thông tư này hướng dẫn cụ thể các nội dung về xác định giá khởi điểm của tài sản, việc lựa chọn và hợp đồng thuê tổ chức thực hiện bán đấu giá, việc xử lý khi chỉ có một người tham gia bán đấu giá, không có người tham gia đấu giá, bán đấu giá không thành…

"Theo TVPL"