Định hướng sửa đổi thuế Tiêu Thụ Đặc Biệt (TTĐB)

Ngày đăng 10-02-2014
Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của sự phát triển kinh tế xã hội hiện nay và thời gian tới, Luật Thuế TTĐB vẫn cần được tiếp tục hoàn thiện
 

 
Nhiều điểm vướng

Luật thuế TTĐB quy định 16 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn thì cần thiết phải bổ sung một số hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB. Đơn cử như dịch vụ nhắn tin trúng thưởng, vì về bản chất dịch vụ nhắn tin trúng thưởng cũng là một loại hình vui chơi có thưởng, đặt cược nhưng chưa được quy định cụ thể trong Luật.

Tiếp đến là mặt hàng nước ngọt có ga không cồn, vì theo một số bằng chứng nghiên cứu  cảnh báo nước ngọt có ga không cồn tác hại lớn đến sức khỏe người dùng như bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh về tim mạch.

Bên cạnh đó, việc quy định thu thuế đối với mặt hàng xăng, condensate, naphta (nap-ta), chế phẩm tái hợp (reformade component) và các chế phẩm khác để pha chế xăng đã phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện vì doanh nghiệp phải thực hiện kê khai, khấu trừ thuế TTĐB khi mua condensate, naphta về sản xuất ra xăng. Đối với trường hợp condensate, naphta dùng để sản xuất ra dung môi và các chế phẩm khác thì không thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB, do đó, cần thiết phải sửa đổi quy định này cho phù hợp với thực tế.

Trong Luật thuế TTĐB hiện hành quy định tàu bay sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch không chịu thuế TTĐB, theo đó tàu bay, du thuyền dùng cho mục đích khác như tiêu dùng của tổ chức, cá nhân phải chịu thuế TTĐB.

Thực tế phát sinh một số trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tàu bay về phục vụ cho an ninh, quốc phòng mà xét về bản chất không thuộc diện thu thuế TTĐB, do chưa có quy định nên phát sinh vướng mắc.

Một điểm khá quan trọng nữa, từ ngày 1/1/2012, Luật thuế Bảo vệ môi trường số 57/2010/QH12 có hiệu lực thi hành quy định thu thuế bảo vệ môi trường đối với một số loại hàng hoá. Tuy nhiên, Luật thuế TTĐB chưa quy định cụ thể về giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá đã chịu thuế bảo vệ môi trường nên cần bổ sung làm rõ, bảo đảm đồng bộ với Luật thuế Bảo vệ môi trường.

Thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia và thuốc lá hiện nay chưa phù hợp với mặt bằng chung của các nước trên thế giới để đảm bảo đúng mục tiêu là hạn chế tiêu dùng những mặt hàng có hại cho sức khỏe.

Theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng thế giới thì mức thuế suất thuế TTĐB đối với mặt hàng thuốc lá, rượu, bia của Việt Nam đang ở mức thấp, cần thiết phải tăng thuế suất đối với những mặt hàng này như Chiến lược cải cách hệ thống thuế 2011 – 2020 đã đề ra.

4 định hướng sửa đổi

Xuất phát từ dự báo về giảm thu NSNN do cắt giảm thuế quan và qua tham khảo thông lệ quốc tế, quan điểm sửa đổi, bổ sung là hướng tới các mục tiêu, yêu cầu đề ra tại Chương trình cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 và thực hiện các cam kết quốc tế liên quan. Bộ Tài chính đề xuất mục tiêu, yêu cầu sửa đổi, bổ sung Luật thuế TTĐB cụ thể như sau:

Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với cam kết quốc tế, góp phần định hướng sản xuất, tiêu dùng của xã hội;

Kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành, đảm bảo tính thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính và tạo thuận lợi cho người nộp thuế;

Bảo đảm nguồn thu ổn định cho NSNN trên cơ sở động viên hợp lý đối với một số mặt hàng trong bối cảnh nhiều năm tới phải cắt giảm thuế quan theo các cam kết quốc tế và mức động viên thuế thu nhập đã suy giảm để hấp dẫn đầu tư, khuyến khích lao động.

Đảm bảo chính sách đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp thuế và góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, hiện đại hoá công tác quản lý thuế./.
 
"Ban biên tập ASOFT"