Nguy hiểm nhất là khi ở trên đỉnh vinh quang...

Ngày đăng 17-08-2012
Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính là khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất... TS. Alan Phan chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị.

Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính là khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất... TS. Alan Phan chia sẻ trong cuộc trò chuyện với Sài Gòn Tiếp Thị.
 
“Đừng lo sợ, nghi ngại, hãy đi tìm những cuộc phiêu lưu cho cá nhân mình” - tác phẩm “42 năm làm ăn tại Mỹ và Trung Quốc và Một tư duy mới cho kinh tế và xã hội Việt Nam” của TS Alan Phan là những cuộc phiêu lưu kỳ thú với đầy đủ mùi vị đắng cay, ngọt bùi, những chia sẻ chân thực nhất của một trí thức doanh nhân từng làm việc cho nhiều công ty đa quốc gia và ngân hàng ở Wall Street.
 
Mô tả nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới, ông có cái nhìn khá bi quan? Ông nhận xét thế nào về môi trường kinh doanh ở Việt Nam?
 
Không chỉ Việt Nam, kinh tế toàn cầu trong ba đến năm năm tới sẽ rất khó khăn. Khủng hoảng tài chính năm 2008, thay vì để nó chết đi rồi lại tái sinh, người ta lại cho uống thuốc giảm đau, nên con bệnh vẫn chưa được giải phẫu, tình trạng ngày càng tệ hại. Kinh tế Việt Nam càng khó khăn gấp bội vì phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài. Hệ thống tài chính của ta có những mắt xích rất yếu, dễ gây đổ vỡ cho nền kinh tế, sự tiêu xài của người dân đang bội chi thường trực… tất cả gây nên phản ứng dây chuyền. Đôi khi phải mạnh dạn dẹp bỏ căn nhà cũ nát để xây căn nhà mới, nhưng rất tiếc chúng ta vẫn sống trong khu ổ chuột hoài, vì có người vẫn… thu được tiền nhà, không muốn phá đi. Văn hoá Việt Nam sẽ không thay đổi lắm, khó khăn nhất sẽ là doanh nghiệp nhỏ vốn ít, cạnh tranh cao, lãi suất cao, dẫn đến vay tín dụng đen, xã hội đen, vỡ nợ ngày càng nhiều, kéo theo một loạt các vấn nạn xã hội, cướp của, giết người, lừa đảo ngày một nhiều hơn… Một sân chơi không bằng phẳng, quá nhiều đặc quyền đặc lợi, bị trói buộc về hành chính, pháp lý, chủ nghĩa phong bì đè quá nặng. Những thói quen xấu như chụp giựt, tham lam, mánh mung, dối trá, liều lĩnh, sĩ diện… vẫn nhiều gấp chục lần các hành xử đạo đức, cẩn trọng, trách nhiệm, danh dự và hy sinh.
 
Nhìn vào đời sống dân sinh, điều gì làm ông lo ngại nhất?
 
Nhiều bậc trí giả lo ngại là so với thời cũ, chúng ta đã đi thụt lùi về đạo đức xã hội và hành xử văn minh. Tôi có cảm tưởng chúng ta vẫn sống và vẫn tranh đấu, suy nghĩ trong môi trường cả trăm năm trước. Những mặc cảm thua kém các ông chủ da trắng vẫn ám ảnh các bạn trẻ ngày nay. Trong lĩnh vực kinh doanh, phần lớn các doanh nhân vẫn cho rằng bất động sản và khoáng sản là căn bản của mọi tài sản. Sản xuất gia công và chế biến nông sản vẫn chiếm một tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch xuất khẩu. Một doanh nhân Trung Quốc đã mỉa mai với tôi khi đến thăm một khu công nghiệp của Việt Nam: “Họ đang cố học và làm những gì chúng tôi đang muốn quên”. Trong khi thế giới đang hồi sinh với thế hệ trẻ tự tin tràn đầy năng lực cho những thử thách của thế kỷ 21, thì người trẻ Việt Nam đang lần mò trong bóng tối của quá khứ, với sự khuyến khích của các nhóm muốn giữ quyền lực và bổng lộc.
 
Là người có nhiều kinh nghiệm trên thị trường tài chính, ông nhìn nhận thế nào về “hậu khủng hoảng” tại Việt Nam? Khi thị trường chứng khoán và địa ốc tụt dốc tới đáy, liệu có xảy ra một cuộc “thôn tính” hàng loạt bởi các công ty nước ngoài, và các thương hiệu Việt non trẻ sẽ mất quyền thi đấu ngay trên sân nhà?
 
Trên thương trường luôn luôn là cá lớn nuốt cá bé. Theo cách nhìn của tôi, nếu mình yếu, nên để người ta lấn át để học hỏi và nhờ đó tìm ra thế mạnh của mình. Giống như bóng đá vậy, mình chơi dở mà không dám thi đấu với những đội mạnh hơn thì sẽ dở hoài. Phải thi đấu, càng học nội lực càng mạnh, sức cạnh tranh gia tăng. Đó là học phí phải trả để tăng trưởng. Nếu không cứ èo uột hoài.
 
Cách đây 20 năm khi tôi bước chân vào thị trường Trung Quốc, đa số các công ty còn rất yếu, họ cầu cạnh chúng tôi mua lại vì các công ty Mỹ có chiến lược kinh doanh bài bản, quản trị chuyên nghiệp. Nhưng sau 10, 15 năm, khi đã học hỏi được kinh nghiệm, họ quay ngược lại trở thành đối thủ cạnh tranh rất hiểm hóc. Chính sách mở cửa làm ăn với Trung Quốc vẫn là một cuộc tranh luận ở Mỹ. Trong một cuộc chiến, nhìn về lâu dài, chưa biết ai hơn ai thua, điều đó tuỳ vào sức mạnh nội lực. Dùng chữ “thôn tính” ở đây tôi e hơi quá khích. Tôi tin trong kinh tế toàn cầu, phần lớn là sự cộng hưởng để tăng trưởng.
 
Nhìn từ góc độ quản trị, theo ông vì sao các doanh nghiệp Việt Nam rất khó khăn khi chuyển từ một doanh nghiệp “gia đình trị” sang doanh nghiệp đại chúng?
 
Đó cũng là bài toán mà các doanh nghiệp Trung Quốc và Đông Nam Á đang đối diện. Từ một doanh nghiệp gia đình chuyển sang một doanh nghiệp có sự minh bạch trong tài chính, tham dự của nhiều người trong hội đồng quản trị, việc thay đổi tư duy, lề lối làm việc sẽ khó khăn là đương nhiên. Khi một doanh nghiệp tập trung quyền lực theo kiểu gia đình trị, luôn luôn có nghi kỵ, giấu giếm với đối thủ, với người ngoài, điều đó làm cho họ ngày càng yếu đi. Để sống còn, chính họ sẽ phải tuân theo sự điều chỉnh của thị trường. Thế hệ mới sẽ thay đổi, đó là bắt buộc. Nhưng tôi lạc quan khi quan sát các công ty Trung Quốc, Thái Lan, Singapore…: khi người cha bước ra khỏi đó, một lớp trẻ mới đi học từ Âu Mỹ về có tầm nhìn, suy nghĩ giống nhau, cởi mở hơn, điều đó tạo nên sức mạnh mới cho họ.
 
Tư duy khác biệt nào đã giúp ông thành công ở Mỹ và Trung Quốc? Ông đã từng phải trả giá đắt như thế nào cho những thành công ấy?
 
Một tư duy giúp tôi rất nhiều trong kinh doanh là không sợ thất bại. Coi thất bại như người bạn thay vì kẻ thù. Thất bại dạy tôi nhiều thứ. Nếu sợ thất bại, sẽ chẳng dám làm khác, hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo.
 
Thực tình khi trẻ người ta thường táo bạo, đó là đặc tính của con người. Chuyện táo bạo khiến tôi có nhiều bước ngoặt khá ly kỳ, dù có khi té giập mặt. Trong đời làm ăn, tôi lên voi xuống chó cũng nhiều. Nhưng giờ lớn tuổi rồi, ít mạo hiểm hơn, điều đó đồng nghĩa với thành công không còn được như xưa, thất bại cũng sẽ ít hơn. Đặc tính chung của doanh nhân khi bước qua một ngưỡng nào đó, họ bắt đầu chậm lại. Ngoài ra, có một yếu tố vô cùng quan trọng là sự may mắn. Táo bạo mà không may mắn sẽ thành ngu xuẩn, tôi đã từng như thế. Kinh doanh là trải nghiệm “thực” nhất trên chốn giang hồ. Những trải nghiệm thực ấy cho tôi nhiều cảm xúc, đến giờ này vẫn sống rất mạnh trong tôi. Với tôi cuộc đời không phải là một sự tập hợp của những ngày tháng mà là sự tập hợp của những trải nghiệm, không phải sống bao lâu, mà là sống như thế nào. Ngày trẻ, tôi mơ làm giáo sư đại học, bây giờ, tôi hạnh phúc vì được sống cuộc đời doanh nhân.
 
Làm thế nào để ông có thể đứng dậy sau mỗi lần thất bại?
 
Đừng đổ lỗi cho ai khác, hơn 80% thất bại là do nội lực của mình. Tôi đã ba lần gần như phá sản. Lần đầu tiên năm tôi 30 tuổi, từng làm chủ đầu tư và đối tác cổ đông của nhiều công ty nổi tiếng Việt Nam như Dona foods, Điện Quang, sữa Foremost, Mekong Car sản xuất xe La Dalat… với tài sản ước tính 7 triệu USD. Nhưng sau 1975, thế cờ xoay vần, tôi mất hết, sang Mỹ chỉ còn 600 USD trong túi. Năm 1982, khi đang làm địa ốc bên Mỹ rất thành công, kinh tế Mỹ suy thoái, lãi suất ngân hàng lên 18 - 19%, tôi phải buông tay, mất trên 10 triệu USD. Lần thứ ba khi thị giá công ty Hartcourt đạt mức 700 triệu USD trên sàn chứng khoán Mỹ, tôi bắt đầu phát triển Hartcourt ào ạt. Khi bong bóng dotcom bắt đầu xìu xuống, các đầu tư dàn trải đòi hỏi một nhu cầu về vốn rất cao mà Hartcourt không thể kiếm được khi bong bóng vỡ. Đến năm 2002, thị giá Hartcourt sụt xuống còn 100 triệu USD, 600 triệu USD không cánh mà bay!
 
Nguy hiểm nhất với doanh nhân không phải là khi ở dưới đáy, mà chính khi ở trên đỉnh vinh quang, người ta dễ quên đi nhiều thứ, dễ bị té nhất. Tham vọng cùng những lời ca tụng, tâng bốc đã đẩy tôi đi quá xa thực tế. Tôi kiêu căng, liều lĩnh, mất đi trọng điểm về mục tiêu công việc cũng như đời sống cá nhân. Đó là kẻ thù tồi tệ nhất không chỉ với riêng tôi mà với rất nhiều doanh nhân khác khi mới đạt được thành công bước đầu. Nhưng tôi không suy nghĩ nhiều về những mất mát, và luôn tin cái gì chết đi cũng sẽ hồi sinh.
 
Ông suy nghĩ như thế nào về chuyện được mất và sức lôi cuốn của đồng tiền?
 
Nói chung, cuộc đời mọi người chứa nhiều chua cay trong lựa chọn. Khi nhận được một cái gì, đồng nghĩa với mất nhiều thứ khác, như thời gian cho gia đình, bạn bè, cho riêng tư. Suy nghĩ cũng hạn hẹp hơn khi mình quá chú tâm vào kinh doanh. Cái mất lớn nhất là sự thanh bình trong tâm hồn vì áp lực hàng ngày tàn phá. Với tôi, mất mát lớn nhất là sức khoẻ. Do bay liên tục, sống trong khách sạn nhiều hơn ở nhà, tôi đã bị đau tim nặng và phải giải phẫu. Đó là cái giá phải trả cho sự thành công. Tôi nói điều này để các bạn trẻ suy nghĩ trước khi lựa chọn nghiệp doanh nhân: phải làm những gì mình thực sự đam mê, nếu không sẽ rất dễ bỏ cuộc.
 
Người đàn ông có bốn thứ lôi cuốn, đó là tiền, danh, quyền, và nhục dục. Những ham muốn hay lôi kéo mình đi lầm đường. Làm chủ được nó hay không là tuỳ sức mạnh bên trong của mình thôi.
 
Từng có rất nhiều tiền, và cũng từng trắng tay... từ khi nào ông đã thoát khỏi sự vây bủa của đồng tiền, để tìm thấy tự do thực sự, để yêu cuộc sống chỉ vì niềm vui sống?
 
Thực tình cho đến giờ tôi vẫn chưa thoát khỏi sự vây bủa của đồng tiền. Đối với tôi đồng tiền không quan trọng lắm, nhưng tất cả những gì tôi yêu đều cần tiền. Tuy nhiên, tôi biết cách né để tránh những lưới bẫy quá nặng. Kinh doanh, viết sách, blog Góc nhìn Alan của tôi luôn có số lượng người đọc cao... đó là sức mạnh giúp tôi có thể làm nhiều việc trong một lúc với niềm hưng phấn lúc nào cũng mãnh liệt. Mỗi người đều tự đi tìm ý nghĩa mục đích cho đời mình, và cứ thế lên đường thôi. Ôn lại những bôn ba giúp tôi bình tâm trở lại. Hạnh phúc với tôi bây giờ là sự tự do. Tự do làm những gì mình muốn làm, nghĩ cái gì mình muốn nghĩ, sống lối sống mà mình thích sống. Tự do không lo nghĩ về đồng tiền, về sức khoẻ, về danh lợi quyền thế… Đương nhiên tự do chỉ là tương đối, vì con người còn quá nhiều gánh nặng khi nghĩ đến xung quanh. Cố gắng sống như lời Trịnh Công Sơn, “mỗi ngày chọn một niềm vui”. Hạnh phúc nhất là khi ngủ dậy thấy mình mạnh khoẻ, suy nghĩ phải làm gì cho ngày hôm nay vui hơn. Tôi đã viết ra một danh sách 100 chuyện phải làm trước khi chết, và đã làm được… 42 chuyện. Tôi cũng không bị áp lực có làm hết 100 chuyện ấy không, đó là tự do mà tôi muốn nói. Bây giờ, tôi không còn nhiều ràng buộc nữa. Nói về chuyện đất nước, có người bàn ra bàn vào cũng vui, vì như thế là cái đầu mình không bị trì trệ, bản thân mình cũng nhờ thế mà thoát khỏi sự yếm thế, hằn học, ganh tỵ.
 
Khả năng hài hước, tự trào của ông có được do bản tính hay là kết quả của một quá trình trải nghiệm?
 
Có lẽ do bản tính, sau nữa là nhờ “góc nhìn”. Với tôi chẳng có gì là quan trọng. Khi VietnamNet báo tin bài Quê hương sao già nua của tôi có 22.000 người đọc, tôi hỏi vậy những bài nào có số người đọc nhiều nhất, họ trả lời: “Bất cứ bài gì về Cường đôla và Hồ Ngọc Hà đều có hơn 600.000 người đọc. Riêng bài cô gái bị rắn cắn đâm ra cuồng… sex có gần 1 triệu người đọc!” Có lẽ ông Alan phải để cho rắn cắn, để có người đọc nhiều hơn! (cười hóm hỉnh). Nói thế để đừng bao giờ có những hoang tưởng về sự quan trọng của mình.
 
 
Tiến sĩ Phan du học Mỹ từ năm 1963. Ông tốt nghiệp bằng cử nhân tại Penn State (Mỹ), MBA tại American Intercontinental (Mỹ), Ph.D tại Sussex (Anh) và DBA tại Southern Cross (Úc). Ông cũng là giáo sư thỉnh giảng tại các đại học Mỹ (Colorado, Columbia, Cal State) và Trung Quốc (Fudan, TongJi). Tiến sĩ Alan Phan là doanh nhân gốc Việt đầu tiên đưa công ty tư nhân của mình lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 1987, là người đầu tiên giới thiệu hệ thống bán cổ phiếu qua mạng và giáo dục online tại Trung Quốc vào năm 1997.
 
"Kinh tế Việt Nam càng khó khăn gấp bội vì phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài. Hệ thống tài chính của ta có những mắt xích rất yếu, dễ gây đổ vỡ cho nền kinh tế, sự tiêu xài của người dân đang bội chi thường trực… tất cả gây nên phản ứng dây chuyền."
 
"Người đàn ông có bốn thứ lôi cuốn, đó là tiền, danh, quyền, và nhục dục. Những ham muốn hay lôi kéo mình đi lầm đường. Làm chủ được nó hay không là tuỳ sức mạnh bên trong của mình thôi".
 
Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia kinh tế:
“Một con người uyên bác, đã sống ba đời trong một đời người. Sau một thời gian dài “lưu lạc giang hồ”, anh cũng như phần lớn Việt kiều chúng tôi, đều thấy một cơ hội lớn ở Việt Nam, đó là truyền lại kinh nghiệm, kiến thức sống và làm ăn cho thế hệ trẻ. Một việc làm có ý nghĩa lớn, giúp anh phấn khởi, lạc quan hơn trong sự trở về. Có lẽ anh đã tìm được lẽ sống ở Việt Nam. Anh đang làm công việc này rất tốt, với doanh nhân cũng như các bạn trẻ, sinh viên. Tôi ngưỡng mộ những gì anh đang làm. Là loại người hiếm, không sợ vạch áo cho người khác thấy lưng mình đầy thẹo, anh là một diễn giả hạng A, vì ngoài kiến thức, anh còn thấy được cái bao quát, toàn thể, cộng với cách nói dí dỏm, nên người nghe cảm thấy rất hấp dẫn, vừa học được nhiều”.
 
 Ông Vũ Quang Dương, nguyên Trưởng Cơ quan Đại diện Thương mại Việt Nam ở Hong Kong:
“Là nhà phân tích tài chính ở phố Wall, doanh nhân Việt kiều đầu tiên đưa công ty của mình lên sàn chứng khoán Mỹ, chuyên gia tư vấn về các thị trường đang nổi cho các công ty đa quốc gia tại Mỹ và châu Âu… những dự báo về kinh tế Việt Nam, Trung Quốc của anh tương đối chính xác, thường đi trước năm năm. Một con người thẳng thắn, trung thực, nên đôi lúc cũng gặp khó. Nhưng anh không sợ mất lòng, vì anh cho rằng một nhà khoa học, một trí thức thì phải nói thẳng. Thông minh, chịu khó học hành, không thích phô trương, rất nặng lòng với quê hương, anh cố gắng thực hiện bằng được di chúc cha để lại, đó là phải làm được điều gì có ích để góp phần giúp đỡ đất nước, quê cha đất tổ thoát khỏi nghèo khó. Sống hết mình và rất cởi mở với bạn bè”.
(Nguồn: SGTT)