Những triết lý làm nên sức mạnh của Honda

Ngày đăng 02-11-2020
Tập đoàn Honda là nhà sản xuất động cơ lớn nhất thế giới. Nhà sáng lập của thương hiệu này – doanh nhân Soichiro Honda – được tạp chí People tôn vinh là “Henry Ford của Nhật Bản”.

 


Tuổi thơ khốn khó, khởi nghiệp với hai bàn tay trắng; nhưng bằng nghị lực kiên cường; niềm say mê khoa học kỹ thuật và tấm lòng tận tâm cống hiến cho xã hội; ông Soichiro đã biến Honda thành một tập đoàn đa quốc gia hùng mạnh, trị giá hàng tỷ đô la.

Cuộc đời của Soichiro Honda là một chuỗi dài những nỗ lực sáng tạo không ngừng nghỉ. Thành công của ông là kết quả của niềm say mê; lòng quyết tâm sắt đá theo đuổi đến tận cùng những giấc mơ; phá vỡ mọi định kiến kinh doanh và công nghệ.

Những triết lý sống nhân văn, dung dị được đúc kết qua hàng chục năm gây dựng và chèo lái Tập đoàn Honda của ông được tập hợp trong cuốn sách “Yaritaikoto Wo Yare” – là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai được tiếp cận và chiêm nghiệm.

“Honda – Sức mạnh của những giấc mơ” là bản tiếng Việt của cuốn sách trên. Dưới đây trích lược nội dung của cuốn sách này; một số triết lý sống của vị doanh nhân Nhật Bản được cả thế giới ngưỡng mộ Soichiro Honda (1906 – 1991).

► Xem thêm: 4 bài học kinh doanh đắt giá từ nhà sáng lập Walmart

Sống

Bước đi đầu tiên

Con người muốn tiến bộ phải dũng cảm bước đi bước đầu tiên. Sẽ có lúc chông chênh nhưng tuyệt đối không được giậm chân tại chỗ. Chỉ khi dấn bước bạn mới có cơ hội trải nghiệm những chướng ngại và chông gai. Thành hay bại nằm ở bước đi ấy. Đó là dấu tích chứng minh rằng bạn đã vượt qua và tiến lên phía trước.

Ở Nhật có câu “Khỉ leo cây cũng có ngày ngã”; ngụ ý răn dạy mọi người phải luôn cảnh giác, tránh tự mãn, bất cẩn. Tôi có thể đau lòng nhưng tôi không bao giờ tha thứ cho những thất bại kiểu ấy. Vì chỉ có thể tha thứ cho sai lầm khi nó tạo ra những hành động cầu tiến. Nhưng cá nhân tôi lại rất khuyến khích thất bại kiểu “rớt khỏi cành cây” của con khỉ; là vì nó muốn thử một kỹ thuật leo cây mới; bởi thất bại ấy sẽ cho nó kinh nghiệm quý báu.

Hàm răng giả rơi vào hố xí

Có lần tôi tiếp một vị khách người nước ngoài tại nhà, chúng tôi đã cùng uống rượu. Tửu lượng của tôi cao hơn nên ông kia phải đi ngủ trước; đến nửa đêm thì tỉnh dậy nôn thốc nôn tháo. Người làm trong nhà tôi phải mang thau đến hứng, sau đó mang đổ hết vào nhà vệ sinh. Sáng hôm sau, ông khách người nước ngoài thức dậy phát hiện mất hàm răng giả. May thay nhà vệ sinh nhà tôi xây theo kiểu cũ nên chỉ cần bảo ai đó vào trong lấy ra là được.

“Khoan nào. Đây là lúc mình cần cho mọi người thấy mình không ngại làm cả những chuyện mà mọi người không thích làm nhất. Vậy mình sẽ làm việc này”, tôi tự nhủ.

Tôi lập tức cởi đồ leo xuống nhà vệ sinh; chậm rãi vọc tìm rồi tay tôi chạm trúng vật cần tìm. Lấy lên, rửa hàm răng giả ấy thật sạch, khử trùng rồi lắp thử vào miệng; không vấn đề gì, không còn mùi hôi, rửa và tẩy trùng thêm lần nữa; rồi sau đó trao tận tay cho ông khách nước ngoài kia. Tất cả mọi người đều trố mắt kinh ngạc, nhưng bản thân tôi làm việc ấy vô cùng bình thản.

Hai kiểu tự biện hộ

Trong mỗi người chúng ta đều tồn tại ba nhân vật: một công tố viên, một luật sư và một chánh án. Vì thế theo tôi, tự biện hộ cũng phải có 2 kiểu. Một là biện hộ tích cực cho các suy nghĩ của cá nhân nhằm mục đích làm cho cuộc đời mình thành công hơn; hai là biện hộ tiêu cực mang tính bào chữa cho những thất bại.

Trong giới kinh doanh, trong môi trường công ty hay cơ quan nhà nước, tự biện hộ tương đối phổ biến. Nói xấu người khác, công ty khác cũng là hình thức của hành vi tự biện hộ. Thậm chí có cuộc họp từ đầu đến cuối chỉ toàn tự biện hộ. Tự biện hộ kiểu ấy chỉ kéo người ta lại phía sau mà thôi. Tự biện hộ tích cực về cơ bản phải xuất phát từ tâm ý muốn cầu tiến, muốn vươn lên của con người.

Hãy mài nhọn móng những con đại bàng có năng lực

Dù là trong thời đại nào, để hoàn thành một điều gì đó cũng cần phải có sáng tạo, nỗ lực; và cả dũng khí không sợ thất bại. Thành công sinh ra từ việc giác ngộ sâu sắc sau những thất bại.

Ở Nhật từ xưa đã có câu tục ngữ thể hiện đức khiêm tốn là “Đại bàng có năng lực phải biết giấu vuốt”. Câu này tuy vẫn được đánh giá cao ở thời hiện đại; nhưng ngày nay xã hội đã bước sang một trào lưu mới:. Người giỏi nếu không nỗ lực hết mình; thì cũng không thể thể hiện hết khả năng cho mọi người thấy được. Điều này đã khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn. Quả nhiên tôi đã khá sai lầm khi nhận thức thời đại.

Thế hệ trẻ không được rập khuôn lối suy nghĩ cũ kỹ ấy như tôi. Trước hết các bạn phải dũng cảm không sợ thất bại. Hãy mài móng thật nhọn, trau dồi năng lực; và thể hiện năng lực đó cho mọi người thấy càng nhiều càng tốt.

 Hãy mài nhọn móng những con đại bàng có năng lực
Hãy mài nhọn móng những con đại bàng có năng lực

Không có ai vô ích

Con người có người thú vị, có người kỳ lạ, nhưng không ai là vô ích. Tôi vẫn hay nói những người hay phán xét người khác; thì không thể trở thành người lãnh đạo chân chính được là vì lý do này.

Ví dụ nhóm nghiên cứu được hợp thành từ những người xuất sắc; thì đa phần thường thất bại, kế hoạch bị đổ vỡ giữa chừng. Nếu đưa một người ngang ngạnh, trái tính trái nết vào nhóm; thì người đó sẽ phát huy sự ngang ngạnh của mình. Nếu đưa một người chậm chạp vào nhóm; thì có thể nhịp làm việc chậm của người đó sẽ giúp cả nhóm tìm ra điểm quyết định để hiểu rõ bản chất của vấn đề.

Bất cứ công việc gì cũng không thể hoàn thành nếu chỉ dựa vào một hay một vài cá nhân. Do đó, chúng ta không nên ruồng bỏ chính mình; vì trên đời này mình là cá thể duy nhất mang bản ngã ấy.

Sở trường và sở đoản

Những ai đang gặp khó khăn ngay trong lĩnh vực sở trường của mình thì sẽ có cảm giác như đang phản bội chính mình. Nguyên nhân là do quá tự tin vào năng lực của bản thân. Còn nếu bạn ít khi gặp khó khăn trong những lĩnh vực không phải sở trường; thì một là do bạn ít khi nhúng tay vào lĩnh vực ấy; hai là do bạn rất thận trọng. Vì đó không phải là thế mạnh nên bạn chịu khó lắng nghe người khác hơn. Hơn nữa, thông thường mọi người có khuynh hướng giao phó những gì không thuộc về sở trường cho người có sở trường ấy.

Con người ai cũng có sở trường và sở đoản. Chính điều này tạo nên cá tính của từng người. Nguyên tắc để sinh tồn trong xã hội loài người là phải biết tận dụng sở trường; trau dồi để hạn chế các lĩnh vực sở đoản. Nguyên tắc này nên được áp dụng rộng rãi trong cả gia đình và nơi làm việc.

Cách để hiểu lòng người

Ngày xưa “đệ tử phải cống hiến cho thầy” khi đi học nghề; nên tôi đã nhầm to khi nghĩ là sẽ được dạy việc ngay. Phải mất nửa năm hoặc một năm trông trẻ hay dọn dẹp cho đến khi có người mới đến.

Thời gian ở đó, cơm canh buổi sáng thường được các chị trong nhà dọn sẵn. Lúc đấy, tôi chỉ mong được xới nhiều cơm hơn một chút. Nếu canh miso có thịt thì ước được các chị ấy bỏ thêm vào nhiều hơn; dù chỉ là một lát thịt hay thậm chí một miếng da vẫn còn lông đen cũng được. Thế nên tôi toàn dậy sớm hơn để quét nhà hay dọn dẹp giúp các chị.

Thời còn đi học việc, tôi đã nằm gai nếm mật làm mọi thứ để hiểu đời hơn theo đúng quan niệm chung của xã hội. Những năm tháng đó đã bồi dưỡng cho tôi khả năng hiểu được lòng người.

Ai cũng có thể là triết gia

Nói đến triết học mọi người thường cho là nó quá trừu tượng, quá khó; chỉ có các học giả mới quan tâm đến các vấn đề ở tận đâu đâu, xa rời thực tế. Nhưng kỳ thực bất cứ ai trong chúng ta cũng đều đang vận dụng triết học trong đời sống hằng ngày.

Tư tưởng kinh doanh, điều lệ công ty, tất cả đều là một dạng của triết học. Nhà kinh doanh phải thường xuyên phán đoán mọi việc bằng cách vận dụng các kiểu triết học khác nhau.

Lãnh đạo có triết học của người lãnh đạo; tính trách nhiệm, sự thông cảm đối với cấp dưới đều là một hình thức của triết học. Trong gia đình có thứ triết học để quản lý gia đình với vai trò là cha hay là mẹ; phải có triết học trong việc nuôi dạy con cái.

Triết học không phải là thứ đạo lý gì quá cao siêu. Nó đơn thuần chỉ là sự thấu hiểu lập trường của người khác.

Điều cần biết là tương lai

Có những người cái gì cũng biết như một quyển bách khoa toàn thư. Những người này thuộc thể loại biết tuốt, gặp cái gì cũng bảo “A, cái này tôi biết”; và nói chuyện ầm ĩ loạn xạ cả lên. Tôi thường nói thế này với những kiểu người ấy: “Tôi hiểu rồi. Nhưng mà tất cả các kiến thức anh biết đều chỉ là quá khứ. Cái tôi cần biết là chuyện tương lai cơ”.

Tương lai đương nhiên phải liên quan đến quá khứ; và dù sao đi chăng nữa thì cũng cần phải hiểu biết quá khứ. Tuy nhiên, điều thực sự chúng ta cần biết là tương lai. Tri thức sẽ không có giá trị nếu tri thức đó không được sử dụng để tìm kiếm tương lai.

Năng lượng để tiến về tương lai

Khoảnh khắc hiện tại vừa là quá khứ lại vừa là tương lai. Sự tích lũy kiến thức trong quá khứ nếu không có ích cho tương lai; thì đó chỉ là một thứ hành lý mang tên “biết” mà thôi. Nói cực đoan một chút thì đó là hồn ma đeo bám hiện tại và tương lai. Tôi không có kiểu kiến thức quá khứ như thế nên tôi mạnh mẽ và vững chãi.

Cái tôi có là những kiến thức được học, những kiến thức do thực hành; hay nói cách khác là kinh nghiệm tích lũy được. Đó là sức mạnh giúp tôi tiến đến tương lai. Tôi không bao giờ tiếp thu bất cứ điều gì được chỉ dạy hoặc được viết trong sách mà không suy nghĩ. Vì tôi biết tất cả những kiến thức đó đều chỉ là quá khứ của người khác.

Khi không thể nhìn thấy điều gì khác

Tôi đã chơi golf trên sân St Andrew mà tôi ao ước từ lâu. Nhưng thực tế tôi chỉ chơi những trận bóng ngắn mà lại còn toàn đánh trượt. Chẳng những thế, tôi còn không thể nhớ nổi quang cảnh ở đó như thế nào và sân golf ở đó ra làm sao.

Năm 1949, vợ chồng tôi đã đến thăm đảo Man nổi tiếng với cuộc đua Torist Trophy Race. Đối với tôi đây là hòn đảo kỷ niệm, tôi có không biết bao nhiêu kỷ niệm tại nơi đây. Tôi đặt chân đến hòn đảo này không biết bao nhiêu lần để nghiên cứu tỉ mỉ tình hình đường đua tại đây. Tuy nhiên phải đến khi đưa vợ đến đây tôi mới khám phá ra những cảnh đẹp mà tôi chưa bao giờ thấy trong những lần đi trước.

Đúng là, con người khi đã chú tâm làm việc gì thì sẽ không còn nhìn thấy cái gì khác.

Đồng nghiệp không qua lại nhà nhau

Đồng nghiệp càng thân thiết với nhau thì càng không nên đến nhà nhau. Vì mỗi gia đình đều là một không gian riêng, có con cái, sở thích cũng khác nhau. Không ai muốn bị người khác nhìn thấy và càng không muốn nhìn thấy của ai. Nếu lỡ thấy rồi thì đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện thêm nhiều thứ cảm xúc khác. Thậm chí còn có thể dẫn đến hiềm khích, đố kỵ lẫn nhau. Tôi thấy những chuyện như thế thường gây ra lắm rắc rối khó gỡ. Nếu không ai đến nhà ai cả thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra.

Ngay cả phó giám đốc Fujisawa là bạn tâm giao của tôi đấy; chúng tôi cũng chỉ gặp nhau ở công ty. Ông ấy chưa bao giờ đến nhà tôi mà tôi cũng chưa bao giờ đến nhà ông ấy. Tôi thấy thế là rất hay.

Chiếc áo sơ mi màu đỏ

Chuyện xảy ra vào năm tôi học lớp 3 hay lớp 4. Vào ngày sinh thật Thiên Hoàng, trường tôi tổ chức một buổi lễ. Mẹ tôi thắt cho tôi một cái dây lưng obi mới màu xanh dương trên bộ kimono với hoa văn kẻ caro đã sờn. Tôi vô cùng vừa ý với bộ kimono của mình. Tôi mặc nó đến trường lòng rộn ràng vui sướng; mà không biết rằng thật ra cái obi trên người tôi là của mẹ. Lũ bạn tôi biết điều đó và chúng không tiếc lời chọc ghẹo tôi, “Xấu hổ chưa kìa, đeo obi của con gái”. Kết quả là tôi khóc rấm rứt và quay về nhà.

Kể từ đó tôi cứ suy nghĩ mãi. Tại sao lại phải phân biệt màu của con trai và màu của con gái cơ chứ. Con người sống phải có cá tính của mình; không cớ gì phải bị ảnh hưởng bởi màu sắc hay hình thức bên ngoài. Bây giờ việc tôi vẫn thường mặc áo sơ mi màu đỏ; hay tùy tiện mặc bất cứ kiểu trang phục nào mà tôi muốn cũng xuất phát từ quan niệm ấy. Nếu không có khí chất và khả năng quyết đoán, bạn sẽ không bao giờ thiết kế được cái gì hay ho.

Học vấn và thương mại

Trong thế giới này, có những người chủ trương phải phân chia rõ học vấn là học vấn; thương mại là thương mại. Đúng là cũng có thể nói như vậy. Tuy nhiên, thương mại mà không có nền tảng học vấn chỉ như một dạng đầu cơ; không thể kinh doanh đúng nghĩa được.

Một người không có nền tảng học vấn như tôi lại nói những điều này thì quả thật rất đáng xấu hổ. Nhưng nói thật là sau khi lao đầu vào công việc mình yêu thích mà không có bất kỳ kiến thức nền tảng nào; tôi mới thấm thía được điều này. Năm 29 tuổi, để sản xuất xéc măng, tôi đã đăng ký học dự thính tại Trường Trung học Công nghiệp Hamamatsu. Tôi muốn học tất cả các môn học có liên quan trực tiếp đến công việc của mình.

Đối với tôi, việc thu thập những kiến thức nền tảng liên quan đến công việc mình làm quan trọng hơn so với việc học chỉ để có học vấn hẳn hoi.

Triết học về sự tôn trọng lẫn nhau

Nếu bạn là người xấu thì kẻ xấu sẽ đến với bạn. Nếu bạn tin người thì bạn sẽ là người được tin. Cho đến bây giờ tôi vẫn luôn cho là như thế.

Trong suốt nhiều năm, tôi cống hiến hết mình cho công việc yêu thích của mình; giao toàn quyền quản lý, tính toán tài sản của gia đình mình cho người khác. Kể từ khi làm Giám đốc cho đến bây giờ, tôi chưa từng một lần nhìn thấy dấu công ty cũng như con dấu của tôi. Điều đó hoàn toàn là sự thật. Tôi thật sự tâm đắc điều đó; tin tưởng vào người làm việc tử tế, giao phó toàn bộ cho người ấy; nhờ vậy tôi mới có thể sử dụng một cách hữu ích thời gian của cuộc đời mình.

Chỉ cần tin vào triết học tôn trọng mối quan hệ lẫn nhau; thì bằng cách này hay cách khác điều ấy rồi cũng sẽ thành hiện thực.

Đôi điều về tự biện hộ bản thân

Con người ta suy cho cùng rốt cuộc cũng sống trong sự tự biện hộ bản thân. Điều đó không có nghĩa là tự đổ lỗi, trách móc hay kết tội bản thân.

Tôi cho rằng dù là bất cứ ai cũng có chút tự phụ về bản thân; đồng thời ai cũng mong muốn được người khác nhìn nhận mình. Về điều này thì vạn người như một. Trong chúng ta cũng có những người cố ý làm cho bản thân bị nhìn nhận xấu đi; nhưng những người như thế phần lớn lại có tính cách tốt đẹp hơn gấp bội.

Chính nhờ có bản năng tự biện hộ bản thân mà con người mới có khát vọng vươn lên, mới tiến bộ được. Ở động vật, đó có thể là bản năng tự vệ sẵn có; nhưng đối với con người đó là hoạt động có ý thức.

Tư tưởng sẽ quyết định đúng sai cho hành động

Hành động thường có động cơ và mục đích. Không thể tồn tại hành động nào của con người được cho là hành động xấu; nếu có động cơ chính nghĩa, mục đích tốt.

Mục đích và động cơ làm nảy sinh hành động; nhưng mục đích và động cơ ấy là do tư tưởng của con người tạo nên. Theo tôi: Nếu tư tưởng không đúng thì không thể tạo ra hành động đúng. Bạn sẽ làm gì không quan trọng bằng việc bạn nghĩ gì.

“Cây kếm” sẽ là vũ khí lợi hại hay hung khí – tất cả phụ thuộc vào tư tưởng hay lý luận hỗ trợ hành động có đúng hay không.

► Xem tiếp Phần 2 : Làm việc và Lãnh đạo


Nguồn: Báo Doanh nhân Sài Gòn